Khơi nguồn “vàng trắng” dòng Sê San

Hơn 10km đường sông về phía hạ lưu, từ thủy điện Ialy đến thủy điện Sê San 3, dòng Sê San đục ngầu, chảy yên ả. Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Hai bên bờ sông, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn đượm một màu xanh của sự sống. Trên cao, từng đám mây trắng xoá, mơn man lùa vào những lùm cây. Mưa lất phất bay cùng với màu xanh của rừng khiến khung cảnh thiên nhiên nơi đây càng thêm huyền bí.
 
* Dồi dào nguồn “vàng trắng”
Sê San là một trong các nhánh sông lớn của lưu vực hạ du sông Mê Kông. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San được hợp thành bởi hai nhánh chính là sông Đakbla và sông Krôngpoko, chảy từ hướng Đông Bắc sang Tây Nam dãy Trường Sơn, qua địa phận hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Sông chính có tổng chiều dài 237km, diện tích lưu vực 11.450 km2. Với những lợi thế về tự nhiên, dòng chảy, độ dốc, lưu vực sông Sê San đã được Chính phủ quy hoạch xây dựng 7 công trình thủy điện là Pleikrông (công suất 100 MW), Ialy (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 3A (108 MW), Sê San 4 (360 MW), Sê San 4A (63 MW) và thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) với tổng công suất 1.831 MW, hàng năm sản sinh trên 8,5 tỷ kWh điện.
Nếu xét về tiềm năng thủy điện ở tất cả hệ thống sông ngòi trên lãnh thổ Việt Nam thì sông Sê San đứng ở vị trí thứ 3, sau sông Đà và sông Đồng Nai, chiếm 11,3% tổng tiềm năng thủy điện toàn quốc. Có thể nói, nguồn “vàng trắng’ mà sông Sê San mang lại đã đóng góp một phần quan trọng trong hệ thống điện quốc gia cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Công ty Thủy điện Ialy, đơn vị quản lý, vận hành 3/7 nhà máy thủy điện trên dòng Sê San, bao gồm: Ialy, Sê San 3 và Pleikrông với tổng công suất 1.080 MW, được đánh giá chỉ đứng sau thủy điện Hòa Bình (1.920MW) về công suất thủy điện cho đến thời điểm hiện nay. Trong đó, thủy điện Ialy đi vào vận hành sớm nhất (năm 2000), tiếp theo là Sê San 3 (năm 2006) và Pleikrông (năm 2009).
 
* Từ hiệu quả kinh tế
Theo Phó Giám đốc vận hành Công ty Đoàn Tiến Cường, một công trình thủy điện thông thường phải sau 5 năm máy móc thiết bị mới hoạt động ổn định. Nhưng đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định sản lượng thiết kế của Ialy và Sê San 3 được tính toán khá chính xác so với các công trình thủy điện khác. Công suất thiết kế cũng vậy vì cả hai công trình này đều phát đủ công suất thiết kế kể từ khi đi vào vận hành đến nay.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của các công trình trên, Giám đốc Công ty Tạ Văn Luận cũng cho rằng, với tổng sản lượng điện bình quân theo thiết kế là 5,310 tỷ kWh/năm, riêng năm 2009 khi thủy điện Pleikông mới đưa vào vận hành, công ty đã đạt sản lượng 5,450 tỷ kWh, vượt sản lượng thiết kế. Trong đó, nhà máy Ialy là công trình thủy điện được xây dựng đầu tiên ở Tây Nguyên, lớn nhất trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Sê San. Đây cũng là công trình có hiệu quả nhất trong 3 nhà máy công ty quản lý. Cùng một dòng sông nhưng công suất cột nước của nhà máy gấp 3 lần nhà máy Sê San 3 và tất nhiên hiệu quả kinh tế cũng gấp 3 lần Sê San 3. Riêng các năm 2002, 2009 nhà máy vượt sản lượng điện thiết kế bình quân năm là 3,680 tỷ kWh, các năm khác đều gần đạt hoặc bằng sản lượng thiết kế.
Còn đối với Nhà máy Sê San 3, công trình lớn thứ 3 trong hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sê San, từ năm 2007 đến nay, nhà máy cũng thường xuyên bằng hoặc vượt sản lượng thiết kế bình quân 1,221 tỷ kWh/năm. Chỉ riêng năm 2010, do thủy văn không thuận lợi nên    nhà máy không đạt sản lượng thiết kế. Hiệu quả thấy rõ của nhà máy này là tận dụng lòng sông nên không phải đền bù, tái định cư; công tác xây dựng gọn gàng, không dàn trải. Hồ lại điều tiết ngày và tận dụng vào tính điều tiết của hồ Ialy.
Hiệu quả kinh tế của Nhà máy Sê San 3 còn được thể hiện ở suất đầu tư thấp. Ngay ở thời điểm xây dựng công trình này, 1MW công suất đầu tư chỉ vào khoảng 1 triệu USD. Và hiện nay, đầu tư 1MW cũng vào khoảng 1-1,5 triệu USD, tuỳ vào vị trí. Như vậy, với 260 MW công suất sẽ phải đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, trong khi mức đầu tư của dự án chỉ là 3.600 tỷ đồng.
Năm qua, do tổng lưu lượng nước về các hồ thấp, chỉ đạt 73% sản lượng nước trung bình nhiều năm và bằng 61% sản lượng nước năm 2009 nên cả hồ Pleikrông và hồ Ialy chỉ tích được 41% của 1,7 tỷ m3. Lượng nước thiếu đã khiến sản lượng của 3 nhà máy này mất đi 650 triệu kWh. 4 tháng đầu năm nay, công ty chỉ phát được 640 triệu kWh, chiếm 15% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Nhưng từ tháng 5 đến nay, có mưa và lũ tiểu mãn về nên tính chung 6 tháng đầu năm, công ty đã sản xuất 1,4 tỷ kWh, đạt trên 35% kế hoạch năm. Giám đốc Luận khẳng định: Trong năm 2011, với tình hình thuỷ văn thuận lợi hơn các năm trước, lượng mưa nhiều, công ty dự kiến đạt từ 4,2-4,4 tỷ    kWh.
Hiện 8 tổ máy của 3 nhà máy công ty quản lý đã hoàn thiện việc trung, đại tu trước mùa mưa lũ. Từ đầu tháng 7 đến nay, các tổ máy đã chạy tối đa công suất với sản lượng điện bình quân 24 triệu kWh/ngày, chỉ thấp hơn 3 triệu kWh so với sản lượng thiết kế do mức nước ở các hồ còn thấp. Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, cả 3 nhà máy sẽ đạt khoảng 660 triệu kWh, bằng sản lượng của cả 3 tháng đầu năm cộng lại.
Một điểm cần nói thêm là các công trình thủy điện không chỉ tham gia cắt lũ vào mùa mưa mà còn tăng lượng nước vào mùa khô với sản lượng 1,7 tỷ m3 từ hai hồ Pleikrông và Ialy. Thủy điện Pleikrông là một ví dụ, nó có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống bậc thang trên sông Sê San. Công trình vừa có nhiệm vụ phát điện, vừa điều tiết lũ về hồ chứa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xả nước thừa vào mùa mưa.
“Do mới đi vào vận hành nên công trình này chưa tính được hiệu quả kinh tế rõ rệt vì vai trò của nó không phải là sản lượng điện mà là hồ điều tiết nhiều năm cho các công trình thuỷ điện phía dưới như Ialy, Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A”, Phó Giám đốc Đoàn Tiến Cường nói. Chỉ riêng hồ Pleikrông đã mang lại cho hồ Ialy mỗi năm 500 triệu kWh từ dung tích hữu ích và Sê San 3 khoảng 160 triệu kWh.
 
* Đến hiệu quả xã hội
Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, hàng năm, các công trình thủy điện trên dòng Sê San còn đóng góp vào ngân sách địa phương hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 công trình do Công ty Thủy điện Ialy quản lý, năm 2009 cũng đóng góp 382 tỷ đồng từ nguồn thuế tài nguyên nước và thuế VAT; trong đó, Kon Tum là 210 tỷ đồng, bằng 26% GDP của tỉnh này và Gia Lai là 172 tỷ đồng, bằng 9% GDP của Gia Lai. Năm nay, do bắt đầu áp dụng thu phí môi trường rừng là 20đ/kWh theo quyết định của Chính phủ đối với tất cả các công trình thuỷ điện để địa phương trồng rừng thì con số này đã tăng lên 550 tỷ đồng cho hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum; trong đó thuế tài nguyên nước và VAT là 450 tỷ, còn lại là phí môi trường rừng.
Ngoài ra, từ khi có các công trình thủy điện được xây dựng, cơ sở hạ tầng, đời sống dân cư trong khu vực ngày càng phát triển. Toàn bộ 25km đường giao thông nhựa nối    Quốc lộ 14B vào nhà máy Ialy và 30km đường từ nhà máy Ialy vào nhà máy Sê San 3 được xây dựng mới. Trên đường tới các nhà máy thủy điện hôm nay, bộ mặt các buôn làng trong khu vực đã thay da, đổi thịt, nhà gỗ chỉ chiếm số ít mà thay vào đó là những ngôi nhà xây hiện đại xen lẫn những cánh đồng trồng mì, cà phê, tiêu rộng lớn, những lâm trường bạt ngàn cao su đang vào vụ thu hoạch. Phố xá mọc lên nhiều, không còn cảnh rừng núi hoang vu như trước kia. Không những thế, năm nào Công ty Thủy điện Ialy cũng được Chủ tịch UBND hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai tặng Bằng khen về thành tích đóng góp ngân sách cho địa phương. Đã 10 năm nay, công ty còn được UBND hai tỉnh đánh giá cao trong công tác điều hành, điều tiết hồ chứa khi xả lũ.
Thả hồn vào thiên nhiên hùng vĩ, những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi, rồi nắng vàng lại ùa tới, ngẫm mới thấy công sức của biết bao con người chinh phục thành công các dòng sông, làm nên các công trình thuỷ năng đem nguồn sáng cho đời. Và dòng Sê San đang hiện hữu những thành công đó.

 

(Theo Monre.gov.vn)