Ngày 17/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình xây dựng Đề án Nghiên cứu, đánh giá khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến sụt lún nền đất khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự có đại diện các đơn vị thành viên của Ban soạn thảo Đề án.
Thực hiện chỉ đạo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 6094/VPCP-KTN ngày 11/8/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến vấn đề sụt lún nền đất khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long, đề xuất giải pháp khắc phục, giải quyết trước mắt và lâu dài”.
Mục tiêu của Đề án nhằm khoanh định các khu vực sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long; đánh giá tác động của việc khai thác nước ngầm đến sụt lún nền đất; từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục giảm thiểu tác động của việc khai thác, sử dụng nước ngầm đến sụt lún nền đất tại các địa điểm trên.
Dự thảo Đề án gồm 5 nội dung chính: Xác định hiện trạng, diễn biến và khoanh vùng sụt lún nền đất; Điều tra, đánh giá hiện trạng, diễn biến khai thác nước ngầm; Điều tra, lập bản đồ khoanh vùng khu vực nền đất yếu; Phân tích, đánh giá xác định khu vực sụt lún do khai thác nước ngầm và đánh giá tác động của khai thác nước ngầm đến sụt lún nền đất; Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, khắc phục, giảm thiểu tác động của việc khai thác nước ngầm đến sụt lún nền đất.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, đề án “Nghiên cứu, đánh giá khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến sụt lún nền đất khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long” có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh an ninh nguồn nước ngày càng gay gắt. Đề án có phạm vi nghiên cứu rộng, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tập trung nhiều vấn đề nghiên cứu lớn và liên quan đến nhiều Bộ ngành. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của các đơn vị trong Bộ và các Bộ ngành liên quan để khẩn trương hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ.
(Theo monre.gov.vn)