“KHÍ HẬU CỦA CHÚNG TA”

Thứ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Đó là chủ đề trong  Lễ kỷ niệm ngày Khí tượng Thủy văn Thế giới (KTTV) do Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức vào ngày 18/3/2011 tại TP.HCM. Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm đã diễn ra Hội thảo tham vấn quốc gia về Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cho VN và Chiến lược quốc gia về BĐKH. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dự Lễ kỷ niệm và chủ trì Hội thảo.

     

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Cách đây 61 năm vào ngày 23/3, Công ước Tổ chức Khí tượng thế giới chính thức có hiệu lực, sáng lập ra Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Để ghi nhớ sự kiện này, hàng năm WMO cùng với cộng đồng khí tượng 189 quốc gia thành viên tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới. Nhìn lại năm 2010, chúng ta dễ dàng nhận thấy thực tế là thế giới ngày càng phải đối mặt với những diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp dưới tác động của BĐKH. Chúng ta hẳn còn nhớ trận lũ lụt lịch sử ở Pakistan được Liên Hợp Quốc khẳng định là thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử nhân loại và các trận siêu bão gây thiệt hại lớn tại Mexico và nhiều nước khác. Ở VN, những biểu hiện rõ nhất là các hiện tượng KTTV cực đoan trong năm 2010 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản như bão, lũ lụt ở miền Trung, lốc xoáy và mưa đá ở miền Bắc, đặc biệt  Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dễ bị tổn thương nhất, đang phải đối mặt với vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn, triều cường, lún sụt… Để nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống khí hậu đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và thế giới trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với những diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH. Ngày Khí tượng thế giới lấy chủ đề Khí hậu của chúng ta để phát đi một thông điệp: hệ thống khí hậu là tài sản, tài nguyên quý giá của chúng ta, nếu biết cách bảo vệ, giữ gìn và khai thác một cách hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và người dân.

tt493

Đoàn chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nêu ra một số quan điểm để các đại biểu cùng thảo luận:  BĐKH  là vấn đề sống còn đối với VN. Vì vậy, cần khẩn trương triển khai các hoạt động ứng phó một cách đồng bộ, hệ thống, liên tục và lâu dài, liên ngành và liên vùng, Trong đó công tác quy hoạch có tầm quan trọng hàng đầu để có kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện.  Cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng và địa phương, cũng như quy hoạch toàn phần. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tập trung triển khai ngay các dự án cấp bách, các dự án không thể trì hoãn.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu đề xuất các hoạt động cần triển khai ngay từ nay đến năm 2015, đề xuất các hành động cần thực hiện lâu dài bài bản, có hệ thống và căn cơ phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Trước mắt cần đề xuất các hành động, chương trình, dự án đa mục tiêu, vừa phục tiêu trước mắt và lâu dài, vừa thích ứng vừa giảm nhẹ BĐKH, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; kế tiếp là cần tăng cường nhận thức của người dân và cộng đồng về những diễn biến phức tạp của hệ thống khí hậu, từ đó thay đổi nhận thức và hành động phù hợp đối với tự nhiên, hài hòa với tự nhiên vì mục tiêu bảo vệ hệ thống khí hậu, tận dụng tài nguyên do lợi ích khí hậu mang lại, phục vụ phát triển bền vững của địa phương, của toàn vùng và toàn quốc;  các thể chế, cơ chế và chính sách mới về kinh tế và thương mại toàn cầu thay đổi và hình thành. Với những gì đang diễn ra như hiện nay có thể cho thấy rằng trong tương lai, trên thế giới sẽ hình thành nên những quy định, các luật chơi, các rào cản kinh tế, thương mại mới như thuế carbon, trợ giá cho công nghệ xanh…Do đó, ngoài tăng cường khả năng thích ứng với những thay đổi của hệ thống khí hậu, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để kịp thời thích nghi với những thay đổi này; sau cùng,  BĐKH là thách thức nhưng cũng là cơ hội thay đổi và chúng ta cần tận dụng các cơ hội đó. Hiện nay, VN chưa phải là nước phát thải lớn, chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm phát thải, nhưng trước mắt chúng ta vẫn có thể xem xét, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải tự nguyện thông qua các cơ chế như giảm thải phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (REED/REED+), sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất (LULUCF) và hành động giảm phát thải phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Như vậy chúng ta vừa thể hiện cam kết và trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống lại BĐKH vừa có thể tận dụng tài trợ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để triển  khai các giải pháp trên, cần tiến hành những nghiên cứu sâu với lộ trình cụ thể bởi vì các cơ chế này mang tính kinh tế, chính trị cao.

tt494

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia đã thảo luận, đánh giá, đóng góp nhiều ý kiến và nêu ra đưa các điểm hạn chế cũng như đề xuất các kiến nghị xung quanh Kịch bản BĐKH, nước biển dâng và Chiến lược quốc gia về BĐKH, để cụ thể hóa từng trường hợp, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay tại các địa phương.

       Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp thêm ý kiến,  trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp để hoàn thiện hơn Kịch bản BĐKH, nước biển dâng và Chiến lược quốc gia về BĐKH.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)