Kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước ngầm vùng duyên hải Nam Trung Bộ cho thấy, đây là vùng có tầng chứa nước nông nhưng lại khó khăn trong công tác điều tra, khai thác và quản lý.
Ông Nguyễn Lưu (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung) nhận xét, cơ bản, đáp ứng được các yêu cầu cấp nước cho ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, do nằm tiếp giáp với biển nên các khu nước dưới đất bị nhiễm mặn. Chính vì thế chất lượng nước dưới đất bị suy giảm, không đáp ứng được yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Lưu, mức độ nhiễm bẩn nước ngầm tầng nông tại các đô thị và khu sản xuất công nghiệp của các tỉnh duyên hải này ngày càng tăng do hầu hết chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đã xả thẳng vào sông ngòi, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt và nước dưới đất. Kết quả nghiên cứu các công trình điều tra cơ bản và khoa học cho thấy, nước ngầm tầng nông ở các đồng bằng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có biểu hiện nhiễm bẩn ở các mức độ khác nhau, rõ rệt nhất là nhiễm bẩn các hợp chất ni tơ và vi khuẩn.
Theo phân tích của các chuyên gia địa chất thủy văn, mặc dù đây là vùng có tầng chứa nước nông (thường nhỏ hơn 50m, mực nước tĩnh nhỏ hơn 5m) nhưng lại khó khai thác là do nguồn nước ngầm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ được tàng trữ trong các đồng bằng thung lũng sông với diện phân bố hẹp, bề dày tầng chứa nước không lớn, trữ lượng nước không nhiều, đặc biệt là thường bị nhiễm mặn theo chiều sâu khá phức tạp.
Để đảm bảo nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân, TS. Hồ Minh Thọ (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung) cho rằng, phải tìm và giữ gìn nguồn nước ngầm. Khai thác nước mặt bằng cách xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện, nhưng cần nghiên cứu kỹ vị trí, lưu vực thu nước, khả năng điều tiết. Riêng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có địa hình dốc, mùa mưa hứng rất nhiều nước từ sườn núi phía Tây, thậm chí gây nên lũ quét nên phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo hồ phải tích nước trong mùa lũ để nhả dần trong mùa hạn. Các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo cho hai tỉnh này, khi nguồn nước ngầm hạn chế, chỉ nên dùng cho sinh hoạt, trường hợp cấp bách có thể sử dụng cho vật nuôi.
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải có giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm trong khu vực, theo TS. Thọ, cần tiếp tục xây dựng mạng quan trắc động thái nước dưới đất ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ nhằm mục đích theo dõi sự biến đổi trữ lượng và chất lượng của nước dưới đất, phục vụ cho việc khai thác sử dụng hợp lý và quản lý lâu dài nguồn nước ngầm ven biển. Đồng thời, kết hợp với mạng quan trắc quốc gia ở Tây Nguyên thành một hệ thống theo dõi, quản lý tài nguyên nước dưới đất toàn khu vực miền Trung. Bài học về hạn năm 2005 tại Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn luôn rình rập và đe dọa. Vì thế, rất cần những giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo nguồn tài nguyên nước đủ cung cấp cho hai tỉnh và khu vực.
(Theo Monre.gov.vn)