Khai thác dòng sông hợp lý để phát triển bền vững dải đất miền Trung

vv238Đợt hạn hán năm 2013 diễn ra ở khắp các tỉnh miền Trung đã cho thấy một phần việc khai thác các dòng sông nơi đây còn nhiều bất cập. Sự phát triển bền vững của vùng đất này đòi hỏi một nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của một dòng sông, một phương thức quản lý lưu vực sông mang tính cộng đồng trách nhiệm và quyền lợi, và một quy hoạch phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an cư lạc nghiệp của người dân, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.

Cân nhắc được – mất khi khai thác dòng sông

Khai thác dòng sông là tác động lên nó, từ đó sẽ phát sinh những mặt được và mặt mất. Điều này ảnh hưởng đến sinh thái và cuộc sống của người dân trong nhiều năm, không chỉ trong điều kiện khí tượng thủy văn bình thường mà còn trong những trường hợp thời tiết cực đoan.

Thực tế, dòng sông sẽ chết nếu không có đủ nước. Do đó, Chuyển nước của một dòng sông ra khỏi lưu vực của nó là một tác động có thể được ví như trích máu ra khỏi cơ thể của một con người. Những dự án chuyển nước vì vậy cần phải được tính toán giữa các lợi ích mang lại và các thiệt hại cho dòng sông, cho hạ du, và cho các vùng có liên quan, những giới hạn khi chuyển nước và những nghĩa vụ tương ứng.

Mất rừng sẽ dẫn đến mất nước. Mất rừng kéo theo hạ mức thủy cấp trong lưu vực, xói mòn, rửa trôi, lũ quét, thay đổi địa mạo của vùng, của lòng sông và chế độ thủy văn. Các tỉnh duyên hải miền Trung nằm trên một dải đất hẹp, độ cao từ núi tới biển chênh nhau từ vài trăm đến ngàn mét, giảm rất nhanh trong khoảng cách vài chục cây số theo đường chim bay. Ở dải đất này, những hậu quả của mất rừng khốc liệt hơn ở bất cứ địa bàn nào khác. Khả năng lưu vực bị sa mạc hóa là hiện thực.

Miền Trung là khu vực có các lưu vực sông rất dốc, vì vậy, đây là lợi thế để khai thác thủy điện. Tuy nhiên, khi xây dựng đập thủy điện, cần cân nhắc vấn đề: Nếu thu được thủy điện từ đập thì ở hạ du sẽ mất đi lượng động năng của dòng chảy trọng lực liên tục, thành tố của môi trường từ bao đời nay. Nhịp đập thủy văn – sinh thái ở nơi này, mực nước sông và các dao động của nó sẽ không còn theo mùa nữa mà tùy thuộc chủ yếu vào sự vận hành của các đập.

Do bị lắng đọng lại ở phía trước các hồ đập, hàm lượng các vật liệu trầm tích, phù sa và các chất dinh dưỡng trong nước ở phía sau đập giảm sút nhiều, dẫn đến một chuỗi các hậu quả về phía hạ lưu của các đập: sự suy giảm của lượng trầm tích, sự sụt lún của mặt đất canh tác không được bù đắp bằng phù sa nhận được, sự thay đổi về hình thái của lòng dẫn, ở vùng cửa sông, sự xói lở và sự sụt giảm lượng trầm tích lắng đọng dọc bờ biển của châu thổ.

Sự sụt giảm phù sa, các chất dinh dưỡng và các chủng loại thủy sản sẽ tác hại lên sự đa dạng sinh học, đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở hạ du, và cả đánh bắt thủy hải sản. Sự xói lở và sự mất ổn định của đường bờ còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông thủy, bộ và địa bàn định cư của người dân.

Nhận thức đầy đủ để khai thác tối ưu

Cách quản lý và khai thác các dòng sông thể hiện quan điểm và cách tiếp cận của Nhà nước trong việc khai thác tối ưu một dòng sông vì sự phát triển bền vững. Vì vậy, vai trò của dòng sông và hậu quả của việc khai thác nó cần được nhận thức đầy đủ trong các cấp chính quyền và trong cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố cần thiết cho sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong quy hoạch khai thác dòng sông và lưu vực của nó.

Trên những lưu vực có triền dốc cao như ở miền Trung, công tác quy hoạch thủy lợi, thủy điện càng phải được tính toán thật kỹ và tổng hợp về các yếu tố địa chất, thủy văn, thủy lực, với tần suất đảm bảo an toàn cao. Quy trình tích nước và điều tiết nước phải được tính toán thỏa mãn ba yêu cầu: Tăng trưởng kinh tế, an cư lạc nghiệp của người dân, và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường trong lưu vực. Báo cáo tác động môi trường phải thực sự có chất lượng và phải được phê duyệt đúng với quy định của pháp luật.

Quản lý một dòng sông theo lưu vực đã được đề cập từ nhiều năm nay. Vấn đề là phải triển khai và xác định chức năng, nhiệm vụ và thành phần của Ban quản lý lưu vực sông. Mọi quyết định về quy hoạch trong lưu vực phải có sự đồng thuận của Ban này. Mặt khác, phải có tiếng nói của người dân sinh sống trong lưu vực, của các nhà khoa học trong Ban quản lý và Ban này làm việc với tinh thần cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi.

(Theo Monre.gov.vn)