Khắc phục tình trạng nước mặt, nước ngầm miền Tây bị ô nhiễm

Nhằm từng bước ngăn chặn, tiến tới chấm dứt ô nhiễm môi trường nước, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư; tăng cường kiểm tra, giám sát về môi trường tại các địa phương, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; ban hành cơ chế hỗ trợ tài chính trong việc đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, trước hết là xử lý rác thải, nước thải.

Các địa phương tuân thủ nghiêm qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong thẩm định các dự án đầu tư, qui hoạch tổng thể; xây dựng tại đây hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và xây dựng hệ thống xử lý chất thải, trước hết tại các khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp; phối hợp qui hoạch, phát triển các vùng nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng khu vực, địa phương và có biện pháp giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn phát tán các chất gây ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi; đầu tư xây dựng nhanh hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn, lợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Theo ngành tài nguyên môi trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện nguồn nước sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển đã có các dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh. Kết quả quan trắc môi trường nước cho thấy nhiều chỉ tiêu bị nhiễm bẩn như BOD, COD, Coliform, H2S, NH4, phen sắt. Nguyên nhân chính do các nguồn thải sản xuất công nghiệp đô thị và các khu dân cư, nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp chưa xử lý triệt để mà thải vào hệ thống sông rạch. Ngoài ra, nguồn nước ngầm được khai thác và sử dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ đã làm cho nguồn tài nguyên này bị sụt giảm ở một số nơi, bị nhiễm bẩn. Sự xâm nhập mặn, phèn trong các tầng khai thác còn phổ biến ở một số địa phương. Hiện vùng Tây Nam Bộ còn khoảng 20% số hộ chưa có nước sạch sử dụng. Một số nơi, người dân còn bị thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Hiện đã xuất hiện nước ngầm nhiễm asen tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, An Giang. Tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất, mặn hóa, phèn hóa trong hệ thống canh tác nông lâm ngư nghiệp… vùng Tây Nam Bộ là những vấn đề cấp bách, chưa được giải quyết triệt để đã gây sức ép về vệ sinh môi trường tại khu vực này. Vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, chất thải trong hệ thống canh tác nông nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý triệt để cũng tác động xấu đến sức khỏe người dân, gây dịch bệnh tràn lan như dịch bệnh tôm cá, gia súc gia cầm… đe dọa lớn đến phát triển bền vững khu vực Tây Nam Bộ.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)