Khắc khoải thượng nguồn sông Thu Bồn

Bán mặt trên sông để sống
Nơi thượng nguồn con sông Thu Bồn chảy qua xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn (Quảng Nam), hằng ngày vẫn còn những con người mưu sinh trên mặt sông với bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm rình rập.

Những mảnh đời “bám” sông nước

Đón tôi tại bến Đầu Cồn thuộc thôn 3, Quế Lâm, Nông Sơn (Quảng Nam) là một người đàn bà năm nay đã gần 80 tuổi, bà Ngô Thị Lụa. Cái nghề mưu sinh bằng cách đưa đò khách qua lại hai bờ Tý bồi – Tý lở hằng ngày dù chỉ vừa đủ nuôi bà và đứa cháu gái nhỏ trên chiếc ghe rách dần theo thời gian nhưng cũng là một niềm vui không nhỏ cho bà. Cái hồn hậu, chất phác của bà thể hiện ngay trong từng câu nói, cử chỉ khiến tôi thấy ấm lòng.

Khi tôi hỏi vì sao vẫn lênh đênh trên sông mà không định cư một chỗ làm ăn, bà Lụa bảo: “Tui cũng có 1 cái nhà nhỏ trên bờ, ở thôn 3, nhưng già cả rồi, biết làm chi ăn. Với lại, mình còn sức, cũng tự lao động được ngày mô hay ngày ấy. Con cái giờ đã có gia đình, biểu nó lo hết cho mình cũng kì. Khi nào sức tàn lực kiệt thì tui mới vào bờ. Ở đây, đưa đò cũng vui nhiều vì bà con đi lại, gặp nhau, trò chuyện hàng xóm, mùa màng…”. Rồi bà tiếp: “Tui ở đây còn đỡ, có những người hơn 80 tuổi còn phải chèo đò. Có những gia đình 6 đến 7 người hằng ngày chỉ trông vào nghề đánh bắt cá trên sông Thu Bồn ni. Họ còn khổ lắm…”

Chia tay với hai bà cháu bà Lụa, chúng tôi vào sâu trong làng Tý bồi. Anh Lưu Ngọc Chung một cán bộ xã cho chúng tôi biết: “Khu vực thượng nguồn sông Thu Bồn đi qua xã Quế Lâm này tính đến hiện giờ có khoảng trên dưới 20 hộ dân mưu sinh lênh đênh trên mặt nước. Trong số đó, ở bến Đầu Cồn có khoảng 10 hộ. Có những người già neo đơn vẫn thầm lặng đưa đò như bà Lụa. Cũng có cả những gia đình gồm 2 đến 3 thế hệ cùng sinh sống trên một chiếc ghe nhỏ. Cuộc sống của họ luôn bấp bênh bằng nghề đưa đò và đánh bắt cá. Ngân sách xã thì có hạn, chỉ có thể hỗ trợ trong mức tương đối mà thôi. Vả lại, giờ mà vào bờ, nhiều hộ không có mảnh đất cắm dùi, lấy gì mà ăn. Trên sông thì con tôm con tép cũng tạm cho họ cái ăn cái mặc…”

Thường trực những nỗi lo

 

tt710

Sống tạm trên thuyền

 

Ngay gần bến Đầu Cồn, lúc tôi đến, những tốp công nhân đang hối hả cho kịp hoàn thành cây cầu treo nối 2 bờ Tý bồi – Tý lở. Không bao lâu nữa, vấn đề qua lại của người dân xã Quế Lâm sẽ được thuận lợi nhiều. Tuy vậy, đồng nghĩa với việc những người già đưa đò như bà Ngô Thị Lụa sẽ thu nhập ít hơn, cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không biết rồi họ sẽ ra sao khi trên bờ đất đai nhà cửa không có, mà nếu có cũng không nhiều. Vả lại, nhiều năm nay họ đã quen với sông nước lênh đênh rồi. Khi những chuyến đò ngang qua 2 bờ Tý bồi – Tý lở này càng ngày càng ít khách thì đã đến lúc chính quyền địa phương cần nghĩ đến phương án tạo điều kiện tư vấn, tìm kiếm giúp đỡ để những người dân chài này bắt đầu cuộc sống mới trên bờ. Điều đó không phải là đơn giản.

Và còn thêm một mối lo không nhỏ nữa. Hiện nay, tại khu vực Nò Lau cũng thuộc xã Quế Lâm, cách bãi Đầu Cồn khoảng nửa ngày đường, một bãi làm vàng với quy mô lớn đã được hình thành. Cũng theo anh Lưu Ngọc Chung, bãi vàng này đã tồn tại hơn 2 năm. Mặc dù công an huyện Nông Sơn đã nhiều lần phối hợp với lực lượng cơ động của tỉnh Quảng Nam cùng với dân quân tự vệ xã Quế Lâm tiến hành truy quét, nhưng mọi việc vẫn không tiến triển.

Nguy hiểm nhất là chất Xi-a-nua cũng như các chất độc trong quá trình làm vàng khác đã theo nguồn nước suối chảy ra thượng nguồn sông Thu Bồn. Ảnh hưởng đầu tiên là lượng cá và các sinh vật khác nơi đây càng ngày càng ít đi. Những người dân mưu sinh và sống trên sông sẽ thu nhập càng ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, nguồn nước sông là nguồn nước chính mà khoảng 20 hộ dân này tắm giặt, thậm chí là ăn uống. Một khi bị nhiễm Xi – a – nua và các chất độc làm vàng khác, nguy cơ nhiễm các căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là ung thư với họ luôn thường trực.

Rời xã Quế Lâm, hình ảnh những người chèo đò, những gia đình mưu sinh và sống ngay trên thượng nguồn sông Thu Bồn vẫn làm tôi day dứt không yên.

 

(Theo monre.gov.vn)