Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Khánh Hòa: Cần triển khai đồng bộ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, tỉnh sẽ dành 11 tỷ đồng cho công tác đánh giá tác động của BĐKH, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH. Điều này cho thấy, đầu tư cho ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững.

Xu thế biến đổi khí hậu ở Khánh Hòa

BĐKH, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng 0,7 độ C, mực nước biển dâng 20cm. Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng BĐKH, bão lụt, hạn hán diễn ra khốc liệt hơn trước. Tại Khánh Hòa, chính những điều kiện tự nhiên được xem là “địa lợi” cho phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) lại trở nên dễ tổn thương bởi sự tác động của BĐKH trên quy mô toàn cầu và khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng.

Những năm gần đây, lượng mưa ở Khánh Hòa thất thường và luôn biến đổi, nhiệt độ tăng cao hơn. Tần suất và cường độ của những cơn bão mạnh, lũ lớn đã tăng đột biến về số lượng và mức độ thiệt hại cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Các dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng ngày càng tăng (bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ ở người; dịch heo tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc…). Tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước ngày càng gay gắt làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và phát triển bền vững KT-XH của địa phương. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 10 năm gần đây, Khánh Hòa phải hứng chịu nhiều thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về KT-XH, phá hủy môi trường tự nhiên và đe dọa đến tính mạng con người. Trong 5 năm trở lại đây, tình hình lũ lụt ở Khánh Hòa ngày càng diễn biến phức tạp. Số trận lũ trên các sông có xu hướng tăng và cực trị đặc trưng lũ càng lớn. Điển hình là các trận mưa lũ dồn dập trong các năm 2005, 2008, 2009 và tháng 11-2010, đỉnh lũ trên sông Cái – Nha Trang tại trạm Đồng Trăng (Diên Khánh) lớn nhất từ năm 1976 đến nay. Bên cạnh đó, các loại thiên tai khác (dông, tố, lốc…) cũng thường xảy ra bất ngờ, chưa thể dự báo được nên hậu quả rất khó lường, gây tác hại lớn.

Những mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 – 2015

UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH với nguyên tắc chỉ đạo: các hoạt động ứng phó với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được thực hiện đồng bộ, trong đó phân chia theo giai đoạn vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài, chủ động, khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng địa phương, từng ngành, đồng thời triển khai đồng bộ với kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, bắt đầu từ năm nay, tỉnh dành 7 tỷ đồng cho công tác đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng của các lĩnh vực và địa phương ven biển, đa dạng sinh học biển ven bờ và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển để đề xuất kế hoạch thích ứng, đối phó. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ dành 3 tỷ đồng nhằm nâng cấp năng lực ứng phó với BĐKH bằng cách tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các buổi hội thảo khoa học, các lớp đào tạo. Từ năm 2012 đến 2015, sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phương pháp ứng phó với BĐKH trên các lĩnh vực, ngành. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ cấp 1 tỷ đồng cho một địa phương ven biển làm thí điểm ứng phó với BĐKH; qua đó, đánh giá ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng tính bền vững nghề và cư trú của cộng đồng.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt kế hoạch hành động này, tỉnh cần có giải pháp ưu tiên trong các lĩnh vực lập kế hoạch, tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng, nhất là cho người nghèo (các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH) và thi hành những chính sách tích cực trong các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng của BĐKH. Bên cạnh đó, cần có hẳn một chương trình và các nguồn vốn cấp thiết dành cho nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, phát hiện các biện pháp hiệu quả nhằm thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH. Mặt khác, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương, Trung ương và nước ngoài trong việc đầu tư và chuyển giao công nghệ hiện đại cũng rất cần thiết để thực hiện thành công các chính sách thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH. Quan trọng hơn hết là cần phải thay đổi thái độ, nhận thức của người dân đối với BĐKH để mỗi người đều có trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình bằng những hành động thiết thực nhất.

(Theo baokhanhhoa.com.vn)