Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Chính sách và Pháp chế, Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình bày các cơ chế, chính sách mới nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên nước
Theo bà Nguyễn Thị Phương, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 14 văn bản pháp luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật TNN số 17/2012/QH13, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trong hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở cả trong nước và các quốc gia ở thượng nguồn các sông suối xuyên biên giới với nước ta
Để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, các cơ chế, chính sách mới đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như:
1. Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đã có một điểm mới quan trọng là thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định trong Luật Tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước. Như vậy, quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và được coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai. Hơn nữa, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm công bằng trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước.
Tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước quy định: tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 3 trường hợp: Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; Khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; Khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.
Cũng tại Điều này, Luật Tài nguyên nước đã giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Vì vậy, để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước, ngày 17 tháng 7 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2017
2. Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 (sau đây gọi tắt là Luật Tài nguyên nước), Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Luật cũng giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước. Cũng tại khoản 2 Điều 28 của Luật, đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước.
Nhằm thực hiện quy định của pháp luật nêu trên, ngày 07 tháng 11 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 22/12/2017
3. Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng
Trong Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 dòng chảy tối thiểu được định nghĩa như sau: “Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước”. Còn về trách nhiệm trong việc xác định, công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã được thể hiện rất rõ trong Điều 70 (liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Điều 71 (liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh). Trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 “Về tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng vận hành khai thác công trình thủy điện” đã đưa ra danh mục các nhiệm vụ chủ yếu triển khai sớm nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và sơm ban hành và hướng dẫn cụ thể quy định về dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy lợi, thủy điện.
Việc chưa có thông tư hướng dẫn xác định dòng chảy tối thiểu đã làm cho công tác quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; xây dựng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông và đặc biệt là công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Thực tế quản lý tài nguyên nước hiện nay đặc biệt ở các địa phương, việc xác định dòng chảy tối thiểu trên sông hay dòng chảy tối thiểu sau các hồ chứa thủy điện, thủy lợi là một trong những vấn đề đang vướng mắc do chưa có một phương pháp hay hướng dẫn cụ thể nào dẫn đến việc quy định dòng chảy không có cơ sở hoặc thiếu thống nhất trong cách xác định và phần nào gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Nước ta hiện có gần 7 nghìn hồ chứa, đập dâng lớn, nhỏ với tổng dung tích trên 65 tỷ m3, chiếm khoảng 8% tổng lượng nước trên các lưu vực sông. Riêng về hồ chứa thủy điện hiện có 800 hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng với tổng dung tích đạt khoảng 56 tỷ m3 nước. Bên cạnh những lợi ích như: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tham gia cắt giảm lũ, đảm bảo cấp nước cho hạ du…thì việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là việc duy trì dòng chảy tối thiểu không được xem xét trong giai đoạn thiết kế xây dựng công trình. Do đó, đến giai đoạn vận hành các công trình hồ chứa đã và đang xảy ra các tranh chấp giữa các hộ sử dụng nước phía hạ lưu, gây tác động lớn đến chế độ dòng chảy sông, suối và các hệ sinh thái thủy sinh, điển hình như thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước từ thượng nguồn sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, thủy điện An Khê – Kanak chuyển nước từ thượng nguồn sông Ba sang sông Kone,…đã gây ra nhiều mâu thuẫn và tác động đến khai thác sử dụng nước hạ du. Ngoài ra, với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội như hiện nay thì đã và đang nảy sinh các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông giữa các ngành, giữa các đối tượng sử dụng nước khác nhau và bài toán đặt ra ở đây là phải phân bổ nguồn nước như thế nào cho hợp lý, phải quy định dòng chảy tối thiểu ra sao để đảm bảo tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Trước thực tế khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông hiện nay và yêu cầu trong công tác quản lý cho thấy cần phải có hướng dẫn cụ thể về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng nguồn nước tổng hợp, hiệu quả, công bằng và bền vững trên các lưu vực sông, ngoài ra việc quy định được dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối trong phạm vi cả nước sẽ làm cơ sở, nền tàng trong phân bổ tài nguyên nước và phục vụ xây dựng các quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ và với mục tiêu cụ thể và cấp bách là phục vụ công tác cấp phép tài nguyên nước. Đối với hạ lưu các hồ chứa việc có thông tư quy định dòng chảy tối thiểu trên sông và hạ du hồ chứa sẽ có đầy đủ căn cứ để kiểm soát việc bảo đảm duy trì dòng thối thiểu, nhất là đối các hồ chứa, ngay từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Chính vì những lý do nêu trên, ngày 22 tháng 12 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng, Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/2/2018
4. Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng
Theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 (sau đây gọi tắt là Luật Tài nguyên nước), tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.
Thực tế, năm 2007 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định về xử lý trám lấp giếng không sử dụng tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kể từ đó đến nay, có nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện và cũng đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều giếng khai thác của tổ chức, cá nhân không có nhu cầu sử dụng hoặc bị hư hỏng không thể khắc phục được nhưng không thực hiện trám lấp theo quy định, do theo quyết định nêu trên nếu thực hiện trám lấp giếng khoan thì điều kiện giếng đó phải nằm trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, trong quyết định này không quy định rõ việc xử lý trám lấp giếng không sử dụng đối với trường hợp công trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định, nên một số địa phương đang thực hiện trám lấp giếng của các tổ chức này chưa đúng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước gây khó khăn cho các tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đây là một trong những tồn tại của quy định trám lấp giếng không sử dụng trước đây.
Thực hiện theo các quy định mới của Luật tài nguyên nước, hạn chế những tồn tại của Quy đinh đã ban hành trước đây, ngày 29 tháng 12 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng, có hiệu lực từ ngày 12/02/2018
5. Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 Quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất
Theo quy định của Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 (sau đây gọi tắt là Luật tài nguyên nước), trong đó Điều 35 quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; khoản 4 Điều 52 quy định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; khoản 5 Điều 52 quy định các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất.
Để thực hiện chức năng quản lý tài nguyên nước nói chung, tài nguyên nước dưới đất nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất (ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008). Trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi có hiệu lực đến nay, quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đã đạt được một số hiệu quả nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên cả nước, tuy nhiên cũng còn một số tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với các quy định của Luật tài nguyên nước, cụ thể là các quy định về khoanh vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất, thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh đối với công trình khai thác nước dưới đất.
Vì vậy, ngày 29 tháng 12 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất để thay thế quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, trong đó rà soát, điều chỉnh để phù hợp và cập nhật các quy định có liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước của Luật tài nguyên nước, phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ
6. Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 Quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ
Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước được xây dựng và ban hành trên cơ sở Luật Tài nguyên nước năm 1998, đã triển khai thực hiện được hơn tám năm. Thực tế hiện nay, những quy định của Thông tư 02 về quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có quy định về “xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước” là một trong các hoạt động điều tra cơ bản (Điều 12) và Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện diều tra cơ bản tài nguyên nước (Điều 13). Đồng thời, Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 cũng có quy định về “điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải” là một trong các nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông (Điều 53).
Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ thay thế Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018