Hướng tới Ngày nước thế giới 2013: Hợp tác vì nước – giải quyết cơn “khát” ở Tây Nguyên

Trước những biến động và thách thức về nguồn nước như hiện nay, hợp tác vì nước là xu thế chung của cả thế giới và nước ta. Hợp tác vì nước ở khu vực Tây Nguyên và giữa khu vực Tây Nguyên với các vùng phụ cận là để thích nghi và khai thác tối ưu các điều kiện về tài nguyên nước giúp cho phát triển kinh tế, xã hội ổn định và vững chắc, đem lại hiệu quả tối đa, đồng thời bảo vệ được tài nguyên và môi trường, giải quyết cơn “khát” của khu vực trong những tháng mùa khô.

Nước – động lực phát triển bền vững của các địa phương trong khu vực

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia lai, Đắk Nông và Lâm Đồng mang trong mình nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá mà trong đó nước được xem là nguồn tài nguyên dồi dào nhất. Mỗi năm Tây Nguyên đón nhận hàng chục tỷ m3 nước mưa. Từ nơi được coi là “nóc nhà của Đông Dương” này, dòng nước trong mát theo các sông, suối lan tỏa đi khắp nơi thông qua hai trong chín hệ thống sông lớn nhất nước ta là sông Ba và sông Đồng Nai cùng hai phụ lưu lớn trên đất Việt Nam của sông Mê Kông là sông Sê San và sông Sêrêpôk với một số sông, suối khác của khu vực miền Trung nước ta. Chỉ riêng lượng nước mặt mà các suối, sông ở Tây Nguyên vận chuyển hằng năm đã đạt gần 50 tỷ m3 nước. Lượng nước phong phú hiện đang được xem là lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nước đã trở thành nhân tố chủ đạo, động lực quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững của các địa phương trong khu vực.

Từ bao đời nay, người dân Tây Nguyên đã hưởng lợi từ nguồn nước được sản sinh ra ở ngay trong khu vực nhưng đồng thời cũng phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ do các biến động của nguồn nước gây ra. Nếu như trước đây, tài nguyên nước của Tây Nguyên chỉ được khai thác một phần rất nhỏ để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì nay đã có nhiều thay đổi. Tài nguyên nước đã góp mặt ở hầu hết các lĩnh vực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều lên, rộng ra theo đà phát triển của xã hội. Bên cạnh việc cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của con người, nguồn nước được khai thác để phát triển năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, du lịch… không chỉ cho riêng khu vực Tây Nguyên và cả các vùng lân cận. Sự phát triển này đòi hỏi phải có ý thức cao về chia sẻ nguồn nước để làm sao có thể hài hòa giữa nhu cầu, khả năng đáp ứng của nguồn nước và lợi ích của tất cả các đối tượng dùng nước ở các vùng trong và ngoài khu vực Tây Nguyên. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tượng dùng nước, giữa các địa phương sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nước; giảm chi phí khai thác; gìn giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường và đặc biệt sẽ góp phần quan trọng vào việc quản lý và giảm thiểu được các rủi ro thiên tai.

Giải pháp đẩy mạnh hợp tác vì nước ở Tây Nguyên

Hiện nay, tính chất bất ổn của khí hậu thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu đã hiển hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nơi trong khu vực. Tình trạng thừa nước gây lũ lụt nghiêm trọng trong mùa mưa. Hạn hán thiếu nước trong mùa khô xuất hiện nhiều và ngày càng gay gắt hơn trong khi dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển khiến nhu cầu dùng nước tăng mạnh. Mỗi năm Tây Nguyên phải “khát” từ 3 – 4 tháng thậm chí thời gian thiếu nước có thể kéo dài liên tục từ 6 – 8 tháng đối với năm hạn nặng. Nguồn nước ở đây đang có nguy cơ ngày càng mất cân đối nhiều hơn về số lượng và kém dần về chất lượng. Vì vậy, hợp tác để chia sẻ nguồn nước được công bằng và minh bạch hơn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Tây Nguyên. Nó cung cấp giải pháp điều hòa sự mất cân đối giữa cung và cầu, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dùng nước và sự bền vững của môi trường. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tây Nguyên cần phải tăng cường quản lý sử dụng nước theo quy hoạch; chú trọng đến tính pháp chế của việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn địa bàn từ các khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên. Đặc biệt, phải thực hiện biện pháp chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước. Cụ thể là xác định nguyên tắc chia sẻ, phân bổ nguồn nước, quy tắc chuyển nước sang lưu vực lân cận. Thống nhất giữa vận hành hằng ngày của các nhà máy thủy điện với lấy nước tưới, nước sinh hoạt và trả lại một phần cho dòng chảy tự nhiên của sông suối. Công cụ chính hiện nay để thiết lập cơ chế quản lý chia sẻ tài nguyên nước là lập kế hoạch quản lý lưu vực sông. Do vậy, phải có các chế tài đủ mạnh kết hợp với tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được việc hợp tác vì nước để chia sẻ, phân bổ hài hòa tài nguyên nước là một vấn đề hết sức quan trọng trong sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở từng vùng, từng lưu vực sông suối của Tây Nguyên.

(Theo Monre.gov.vn)