Sáng ngày 29/5/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn “Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 (SDGs) của ngành tài nguyên môi trường” do Viện trưởng ISPONRE – PGS.TS Nguyễn Thế Chinh và TS. Axel Neubert, Trưởng đại diện của Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam chủ trì.
Hội thảo có đại diện các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến tham dự và tập trung thảo luận, góp ý cho các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, các chỉ tiêu và lộ trình; phân công tổ chức thực hiện và các vấn đề khác của Dự thảo. Hội thảo Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới đã trải qua chặng đường 15 năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Kết quả đánh giá trên toàn cầu cho thấy, ba trong số tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ – về đói nghèo, các khu ổ chuột và nước – đã được đáp ứng trước thời hạn năm 2015, còn lại nhiều mục tiêu MDGs vẫn chưa đạt được, trong đó có mục tiêu về môi trường.
Để tiếp tục thực hiện những công việc chưa hoàn thành của MDGs và các ưu tiên mới về phát triển bền vững toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio +20) tại Rio de Janeiro vào tháng 6 năm 2012 đã đưa ra một thỏa thuận về khởi động quá trình phát triển một tập hợp các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs). Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã thông qua tại văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, trong đó, vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là các ưu tiên.
Viện trưởng ISPONRE – PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khai mạc Hội thảo
TS. Axel Neubert, Trưởng đại diện của Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam
Kế hoạch đã đưa ra 17 mục tiêu, 115 mục tiêu cụ thể (VSDGs) về phát triển bền vững đến 2030 cho Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp. Kế hoạch hành động quốc gia cũng đã phân công các mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ, ngành và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện các mục tiêu PTBV đến 2030 của mình và ban hành trong năm 2018.
17 mục tiêu cụ thể nằm trong 6 nhóm mục tiêu bao gồm: Tiếp tục phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường; quản lý tổng hợp, khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước; quản lý tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; ứng phó kịp thời với thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo tồn và sử dụng bền vững biển, hải đảo, đại dương; bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái.
Với từng mục tiêu, Bộ xây dựng các chỉ tiêu, lộ trình thực hiện và giải pháp, nhiệm vụ tương ứng, trong đó có một số thông tin đáng chú ý như: Đến năm 2030, 100% nước thải nguy hại được xử lý; ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, chú ý tới các chất thải rắn, nước thải và ô nhiễm chất hữu cơ; thực hiện những hành động cấp thiết để ngăn chặn và tiến đến chấm dứt sự suy thoái nơi cư trú tự nhiên các hệ sinh thái, bảo vệ và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài động, thực vật nguy cấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là bộ quản lý đa ngành với 9 lĩnh vực quản lý nhà nước là đất đai, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ và thông tin địa lý, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, viễn thám.
Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh mong muốn, qua Hội thảo, những ý kiến góp ý của đại biểu sẽ góp phần giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện bản Dự thảo kế hoạch hành động này.
Các đại biểu góp ý tại Hội thảo