Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thực hiện chương trình hợp tác cùng khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên nước sông Mê kông.
Theo đó, từ nay đến năm 2015, các tỉnh phối hợp quy hoạch việc sử dụng nước; giám sát chất lượng nước; bảo vệ môi trường nước; quản lý, kiểm soát và giảm nhẹ tác hại của lũ lụt, nước mặn xâm nhập, hạn hán, sạt lở bờ sông; khai thác sông Mê kông phục vụ các chương trình phát triển giao thông thủy, thủy lợi, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Các tỉnh tăng cường kết nối với các nước lân cận nhằm khai thác vị thế chiến lược của khu vực, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường sự gắn kết của khu vực, phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển, tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hóa, hợp tác với các nước trong lưu vực về môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, bảo vệ môi trường, chống thiên tai và dịch bệnh, bảo đảm an ninh lương thực.
Từ năm 2001 đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã tích cực đóng góp cùng Ủy ban sông Mê Kông Việt nam thực hiện các chương trình nghiên cứu dòng chảy, chất lượng nước, sử dụng nước, cân bằng nước phát triển lưu vực, bảo vệ môi trường nước tại khu vực…góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên một số mặt như bảo vệ môi trường nước mặt, chống sạt lở bờ sông… còn hạn chế.
Phần lưu vực của đoạn sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL có trên 17 triệu dân Việt Nam sinh sống, có vai trò to lớn trong việc cung cấp nước cho dân sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, giao thông thủy tại khu vực. Những năm gần đây, đã có nhiều cảnh báo được đưa ra về tình trạng khai thác tận thu dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học tại lưu vực sông Mê Kông. Các chuyên gia về môi trường còn báo động về khả năng dòng sông bị biến đổi dòng chảy, dẫn tới những thảm họa về môi trường nếu các đập thủy điện được xây dựng tràn lan trong khu vực.
(Theo Monre.gov.vn)