Họp Hội đồng thẩm định của Bộ Tư Pháp về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng phát biểu tại cuộc họp
Chiều ngày 3/8, tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng chủ trì cuộc họp.

 

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Cục Quản lý tài nguyên nước. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên hội đồng thẩm định và Ban soạn thảo Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 

Phát biểu và chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, tại cuộc họp này đề nghị các thành viên trong hội đồng thẩm định cho ý kiến thẳng thắn, khách quan và mang tính xây dựng về các vấn đề như: Nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), và hình thức trình bày. Trên cơ sở các ý kiến của các thành viên hội đồng, Ban thư ký sẽ tổng hợp,  xây dựng báo cáo hội đồng thẩm định đảm bảo chất lượng, đồng thời, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khi ban hành được đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định:

Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nhiều tiến bộ

 Ông Tạ Hồng Đức – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Dự thảo Luật Tài nguyên nước được soạn thảo công phu. So với Dự thảo Luật Tài nguyên nước những lần trước, Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần thứ 5 đã có nhiều tiến bộ, nhiều quy định đã được cụ thể hóa và rõ ràng hơn. Bố cục Dự thảo gồm có 10 chương, 86 điều là hợp lý. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, viết rõ hơn về phạm vi điều chỉnh; nội dung liên quan đến hồ chứa nước, kênh rạch nên viết rõ hơn để tránh mâu thuẫn với các quy định pháp luật như Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi và Luật Thủy lợi sắp tới.

Bà Trịnh Thị Thanh – Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường – ĐHQG Hà Nội:

Về cấu trúc Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số nội dung quan trọng và cần thiết như Điều tra cơ bản, đối tượng điều chỉnh cũng đã được quy định rõ ràng hơn, các chính sách đưa ra đồng bộ, các quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh sửa rõ nghĩa hơn một số cụm từ, khái niệm thiên về lĩnh vực môi trường như Điều2, mục 14; Điều 3, mục 12; Điều 8, mục 6;….

Bà Vũ Thu Hạnh – Trường Đại học Luật Hà Nội:

Nội dung Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, thể hiện quan điểm dân chủ hóa trong các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước. Dự thảo Luật cũng đã nêu đầy đủ, rõ ràng về các quy định sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Dự thảo Luật đã thể hiện rõ quyền năng về sử dụng tài nguyên nước. Về tính thống nhất của Dự án Luật là không có sự mâu thuẫn giữa các nội dung của các Luật khác.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng nêu ý kiến, hiện nay tài nguyên nước đang là mối quan tâm của nhiều đối tượng như thủy điện, thủy lợi, khai thác phục vụ các mục đích,… nên chăng, cần phân loại các mục đích sử dụng như sử dụng nước không tiêu hao (thủy điện) và sử dụng nước có tiêu hao (khai thác nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp,…)

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp:

Dự thảo Luật Tài nguyên nước là vấn đề tổng hợp, nội dung xây dựng có liên quan tới nhiều bộ, ngành và ngay trong Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có những xung đột về từ ngữ, cách thức thể hiện,…Vì vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ những vấn đề cụ thể về giải thích từ ngữ trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bà Hạnh cũng lưu ý, tại Điều 38: Nước dùng cho tưới tiêu mà lại không thu phí thì không thể kêu gọi sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được. Đặc biệt, cần có cơ chế chia sẻ thông tin về tài nguyên nước và phí tiếp cận thông tin về tài nguyên nước.

Đối với vấn đề về ủy ban lưu vực sông, bà Hạnh cũng nêu quan điểm, ủy ban lưu vực sông phải là cơ quan trung ương nằm vùng tại các địa phương, có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vấn đề về tranh chấp, điều hòa, phân bổ nguồn nước. Ban soạn thảo nên tham khảo mô hình quản lý lưu vực sông của Pháp để tổ chức, vận dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Hương Lan – Trường Đại học Thủy lợi:

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần thứ 5 đã tương đối đầy đủ về mặt nội dung, thể hiện tính logic trong việc trình bày. Dự thảo đã chỉnh sửa, bổ sung góp ý của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần biên tập lại phần đánh giá kết quả thi hành Luật Tài nguyên nước năm 1998 để đưa ra được bức tranh cần sửa đổi Luật tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Ông Dương Đăng Huệ –  Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp:

Hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là một trong những hồ sơ hoàn chỉnh, đầy đủ theo yêu cầu. Nội dung văn bản được trình bày chuyên nghiệp và được chuẩn bị rất công phu.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Chính phủ

Sau khi có các ý kiến thẩm định của các thành viên trong Hội đồng, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đã có một số giải trình tiếp thu bước đầu và bày tỏ quan điểm Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Luật tài nguyên (sửa đổi).

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và nêu rõ, các ý kiến của các thành viên hội đồng cho thấy, cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 1998. Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn mới, những vấn đề lạc hậu cần phải loại bỏ và những vấn đề mới cần phải bổ sung.

Thứ trưởng cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ các vấn đề về phạm vi điều chỉnh; rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh trùng lắp, mâu thuẫn; rà soát các vấn đề về tính hợp pháp, tương thích với các điều ước quốc tế. “Về cơ bản, Hội đồng thẩm định nhất trí với Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Một số vấn đề các thành viên hội đồng đưa ra, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình” – Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trướng đánh giá, đây là dự án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về mặt nội dung và hình thức. Hội đồng nhất trí, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đủ điều kiện để trình ra Chính phủ./.

(Theo DWRM)