Hơn một tỷ người sống tại các thành phố lớn trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào năm 2050, do tình trạng biến đổi khí hậu cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Đây là cảnh báo được đưa ra trong một nghiên cứu khoa học do Viện Khoa học quốc gia Mỹ công bố ngày 28/3.
Nghiên cứu trên cho biết, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, trong vòng 40 năm tới, sẽ có khoảng 993 triệu cư dân thành phố phải sống tằn tiện với lượng nước sinh hoạt chưa đến 100 lít nước/người/ngày, trong khi một người trung bình sử dụng khoảng gần 400 lít nước/ngày.
Hiện thế giới có khoảng 150 triệu người đang sử dụng dưới 100 lít nước/người/ngày. Các tác động của biến đổi khí hậu cũng đẩy hơn 100 triệu người vào cảnh thiếu nước sạch phục vụ các sinh hoạt thiết yếu, như nấu ăn, tắm giặt.
Nghiên cứu cho biết thêm, khủng hoảng nguồn nước không những đe dọa các điều kiện vệ sinh tối thiểu của người dân các thành phố đang phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn gây hại tới môi trường tự nhiên do việc bơm nước tràn lan từ các ao hồ, sông ngòi…
Các chuyên gia dự báo tình trạng thiếu nước sạch sẽ xảy ra nghiêm trọng nhất tại Nam Á, đặc biệt là sáu thành phố lớn của Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi. Từ nay đến năm 2050, khoảng 119 triệu người ở các thành phố thuộc khu vực châu thổ sông Hằng sẽ thiếu nước sinh hoạt. Châu Á, Tây Phi cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng ở các thành phố lớn.
Ông Rob McDonald thuộc tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên và là người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, nhận định để ứng phó với cuộc khủng hoảng nguồn nước, cần có sự đầu tư bền vững vào cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề sử dụng nguồn nước, đặc biệt trong nông nghiệp, lĩnh vực tiêu thụ nhiều nước sạch nhất, cũng như tình trạng thất thoát nước.
Ông McDonald kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ các nước nghèo nhằm đảm bảo mọi người dân đều được hưởng quyền cơ bản nhất, đó là được tiếp cận nước sạch.
(Theo TTXVN)