Hòa Bình: Nước sạch nâng cao đời sống nhiều vùng nông thôn

Là tỉnh miền núi địa hình khó khăn, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, giao thông không thuận tiện nhưng những năm qua tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp để từng bước đưa nước sạch đến với nhiều vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển.
Với sự quan tâm của tỉnh cũng như các ban ngành chức năng trên địa bàn, những năm qua chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình đã và đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đã đạt 73,12%, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 36,88%.
Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Ánh Hồng cho biết: Đạt được kết quả trên là do tỉnh Hòa Bình đã huy động toàn bộ sự tham gia của các cấp, ngành và hầu hết các nguồn lực tài chính cộng với sự tham gia của nhân dân các dân tộc vào chương trình. Đồng thời, triển khai thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình dự án khác để tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa công tác cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên việc đầu tư xây dựng các loại hình cấp nước sinh hoạt cũng được chính quyền địa phương quan tâm và có giải pháp cấp nước hợp lý. Theo đó, việc áp dụng dự án cấp nước có công nghệ xử lý cao, quản lý vận hành phức tạp được áp dụng ở những khu tập trung dân cư như thị trấn, thị tứ, khu trung tâm cụm xã. Tại xã Sủ Ngòi thuộc thành phố Hòa Bình, nhờ có những chủ trương đúng đắn của tỉnh đến nay trên địa bàn xã có hơn 90% hộ dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Điều đáng ghi nhận là từ khi có nguồn nước hợp vệ sinh, nhiều hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã không còn phải dùng nước giếng khoan hay các nguồn nước sông, suối ô nhiễm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. Tại huyện Kim Bôi, hiện nay nhiều hộ dân đã được sử dụng nước sạch từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kinh phí đầu tư của chính quyền địa phương. Có nước sạch, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Chị Bùi Thị Diên, ở xóm Rường, xã Trung Bì, huyện Kim Bôi cho biết: Trước đây chưa có công trình nước sạch, gia đình tôi sinh hoạt rất bất tiện, nước không đủ dùng lại sợ bị ô nhiễm nên ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống. Sau khi gia đình tôi được đi tập huấn Năm không Ba sạch do Hội Phụ nữ tỉnh triển khai. Sau đó gia đình tôi đã làm được công trình vệ sinh và bể nước sạch theo tiêu chuẩn. Khi sử dụng nguồn nước làm theo hướng dẫn, gia đình tôi thấy nước sạch hơn, bớt đi những khó khăn mỗi khi phải đi lấy nước suối hoặc sử dụng nước bị ô nhiễm. Giờ có nước sạch người dân chúng tôi đã yên tâm sản xuất, không lo bệnh tật, con cái khỏe mạnh.
Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, tại xã Sủ Ngòi thành phố Hòa Bình khi có nước sạch về đến từng hộ gia đình đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân, nỗi lo bệnh tật tan biến, đời sống sinh hoạt ổn định, kinh tế dần phát triển. Ông Nguyễn Đức Nị, Phó Chủ tịch UBND xã Sủ Ngòi cho biết: Hiện nay toàn xã có khoảng 5 nghìn người dân được sử dụng nước máy hợp vệ sinh, chiếm 90% dân số địa phương. Xã đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% dân số trên địa bàn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Hoàng Văn Liêm, xóm 5 xã Sủ Ngòi vui mừng chia sẻ, từ khi được chính quyền xây dựng cho công trình nước sạch, đời sống nhân dân chúng đã được cải thiện rõ rệt. Việc sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ tiết kiệm được thời gian cho gia đình. Đồng thời do nguồn nước bảo đảm nên gia đình tôi nói riêng và nhân dân trong xã nói chung đều rất yên tâm, không còn cảnh như ngày trước phải dùng nước sông, suối, giếng ô nhiễm.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương cũng như sự tham gia đóng góp của nhân dân. Đồng thời, mở các lớp tập huấn quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các công trình cấp nước tập trung. Từ các lớp tập huấn đó, sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho những cán bộ quản lý các công trình nhằm bảo đảm các công trình cấp nước sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đối với những vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.

 
 
(Theo Monre.gov.vn)