Hồ treo trên núi – bầu sữa mát cho vùng cao nguyên đá Hà Giang

tt963Từ thành phố Hà Giang, đi ngược lên phía Bắc, giữa điệp trùng của cả một vùng cao nguyên đá hùng vĩ và bí ẩn là những điểm dân cư của đồng bào các dân tộc Hà Giang sinh sống và làm ăn từ bao đời nay. Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc – bốn huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, nơi cực Bắc của đất nước Việt Nam, tuy xa mà gần trong lòng mỗi người dân Việt.

Con đường mang tên “Hạnh phúc”- đoạn từ Đồng Văn đi Mèo Vạc dài 21 km, len lỏi ngang lưng các triền núi đá, được rải nhựa phẳng, đi lại thuận tiện như hôm nay là kết quả của sự chung tay, góp sức người dân các dân tộc Hà Giang với bà con 10 tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua gần 6 năm (từ tháng 5/1959 – 12/1964) đục núi, mở đường, bàn tay con người đã làm nên con đường lịch sử, con đường với hy vọng góp phần mang lại ấm no và hạnh phúc cho bà con các dân tộc nơi vùng cao biên giới. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, nhìn xuống dòng sông Nho Quế, con sông hùng vĩ là thế mà chỉ còn lại hình hài như dải lụa dài ẩn hiện phía chân núi mù xa. Những thôn bản của bà con các dân tộc rải rác trên các triền núi, lọt giữa những thung lũng cao nguyên đá trong chiều đông đem lại cho chúng tôi ấn tượng mạnh về sức chịu đựng, thích nghi và sự tồn tại của con người trước những khắc nghiệt vô cùng của thiên nhiên. Trong muôn vàn khó khăn thường nhật mà người dân vùng cao nguyên đá từ bao đời phải gánh chịu, người ta nói đến việc phải lo có cái đất cho bà con làm nương, lo có con đường cho người dân đi lại, lo có nước tối thiểu để sinh hoạt hàng ngày… Biết bao câu chuyện khổ vì thiếu nước ngày xa xưa ở vùng cao khát nước này đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Về thăm vùng “đất khát” hôm nay, đã xuất hiện nhiều công trình thủy lợi, công trình cung cấp nước sạch, những minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với bà con các dân tộc vùng cao đặc biệt khó khăn. Nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương đã được ưu tiên đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở 4 huyện vùng núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Tính riêng từ năm 1999 đến năm 2005, đã có 165 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt như hệ thống cấp nước tự chảy, xây bể, lu chứa nước công cộng và trong mỗi gia đình. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 4 huyện vùng vúi đá có 585 công trình cấp nước tập trung (tự chảy), hơn 40.500 bể, lu chứa nước hộ gia đình, 26 giếng đào Unicef và 77 hồ chứa nước. Một phần dân cư trên địa bàn đã được hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt.

Anh Hoàng Mạnh Hùng ở Chi cục Thủy lợi tỉnh chia sẻ: Một trong những đặc điểm khí hậu của vùng cao núi đá là vào mùa mưa thì lượng mưa rất lớn, còn mùa khô thì mưa rất ít. Lượng nước mưa dồi dào trong mùa mưa (mùa hè) không thể giữ lại được, nước nhanh chóng chảy đi mất theo các hang mà chuyên môn gọi là carter. Ngay trong mùa mưa vẫn không thiếu những nơi rơi vào cảnh khan hiếm nước sinh hoạt. Câu chuyện một chậu nước nhỏ vừa vo gạo, rửa rau, rửa mặt theo kiểu “cũ trước mới sau”; chuyện các cô giáo năm, bảy ngày mới tắm; chuyện tắm khô, tắm cạn của người dân… ở vùng cao núi đá khát nước không phải là câu chuyện cổ tích mẹ kể năm nào.

Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân vùng cao núi đá là vấn đề cấp thiết trong suy nghĩ và hành động của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, các nhà khoa học chuyên ngành trong nước cũng vào cuộc giúp tỉnh. Nhiều giải pháp đã được thực hiện: khoan thăm dò, khai thác nước ngầm, xây bể chứa nước lớn, xây dựng công trình cấp nước cung cấp nước sinh hoạt cho cả vùng, xây hồ chứa nước mưa để tích nước dùng cho mùa khô… Trong các giải pháp đưa ra và kiểm nghiệm từ thực tế, hiệu quả nhất là xây dựng các hồ chứa nước trên nguyên tắc lợi dụng địa hình và mặt nước xuất lộ, nước ngầm để trữ nước mùa mưa cung cấp cho người dân dùng trong mùa khô. Năm 2002, công trình hồ chứa nước Xà Phìn với dung tích chứa 3000 m3   tại xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn được Viện Địa chất triển khai thí điểm, tích nước từ các mạch nước phát lộ trong mùa mưa để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Năm 2006, hồ chứa nước sinh hoạt xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc có dung tích tới 30.000 m3 cũng được khởi công xây dựng. Bài học thực tiễn từ hồ treo chứa nước Xà Phìn (Đồng Văn) và Tả Lùng (Mèo Vạc) mở ra hướng đi tích cực cho Hà Giang trong việc giải quyết nạn “khát nước” trong sinh hoạt của người dân 4 huyện vùng cao núi đá.

Trong chuyến công tác tại Hà Giang của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mấy năm trước, chia sẻ với khó khăn của Hà Giang, Thủ tướng đồng ý với chương trình Hà Giang xây dựng 30 hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Việc xây dựng 30 hồ treo chứa nước tại các huyện đã được triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hồ treo chứa nước đã mang lại hiệu quả thiết thực; người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Giờ đây, trên con đường hành trình từ thành phố Hà Giang qua Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, giữa sự hùng vĩ của khu Cao nguyên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách bắt gặp những hồ treo trên lưng núi, đu mình khiêm nhường trên những triền núi cao như hình ảnh những đứa trẻ được “mẹ núi” địu trên lưng đi làm nương làm rẫy. Hà Giang đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ giải quyết triệt để việc “khát nước” sinh hoạt cho người dân 4 huyện vùng cao núi đá; cải thiện một phần đáng kể cuộc sống bà con các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Giang cần xây dựng thêm 300 hồ chứa nước để cung cấp nước sinh hoạt cho 17.000 dân đang làm ăn sinh sống trên địa bàn “khát nước”. Nguồn kinh phí là quá lớn với một tỉnh nghèo nhất của cả nước như Hà Giang. Bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang chỉ còn biết chờ đợi sự giúp đỡ từ Đảng, Nhà nước để có giọt nước mát trong mùa khô, bớt đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống, để tồn tại và phát triển. Và hơn thế nữa, để cộng đồng bà con các dân tộc vùng cao nguyên đá có thêm điều kiện làm tròn nghĩa vụ công dân với vùng đất được coi là “phên dậu” nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

 

 (Theo Monre.gov.vn)