Hồ chứa thủy điện, thủy lợi: Năng lực có như mong đợi ?

vv80Lợi ích của thủy điện, thủy lợi mang lại trong phát triển KT-XH là không thể phủ nhận. Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, còn rất nhiều bất cập trong quy hoạch phát triển, xây dựng hồ chứa, quản lý, bảo vệ, khai thác…

Xem nhẹ ĐMC

Hiện nay, cả nước đã xây dựng được 5.616 hồ chứa nước lớn, nhỏ các loại, với tổng dung tích gần 50 tỷ m3 nước. Trong đó, có 150 hồ chứa của các công trình thủy điện với tổng dung tích 39,6 tỷ m3 nước, 5.466 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 10,28 tỷ m3 nước, bảo đảm nước tưới cho 803.180 ha đất canh tác.

Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam), hầu hết quy hoạch hồ chứa mới chỉ có đánh giá tác động môi trường mà chưa đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) như quy định của pháp luật. Việc đánh giá tác động môi trường của đa số các dự án thủy điện, thủy lợi chưa đánh giá hết được tác động môi trường mà dự án gây ra, chưa quan tâm đánh giá đầy đủ, đúng mức ảnh hưởng tới các TN&MT tự nhiên và môi trường xã hội.

Thực trạng quy hoạch phát triển thủy điện đang “chặt nát” các dòng sông tự nhiên, vốn bao năm nước chảy xuôi dòng, thành từng khúc nhỏ với những điều kiện dòng chảy, nguồn nước rất khác biệt so với tự nhiên theo hướng ngày càng xấu. Hiện nay, vẫn thiếu việc đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống bậc thang các hồ chứa trên lưu vực sông hoặc một địa phương nên không thấy rõ những tác động rất bất lợi của toàn bộ các công trình trên lưu vực đến tài nguyên, môi trường tự nhiên và xã hội.

Mặt khác, các chủ đầu tư, chủ công trình thực hiện không nghiêm chỉnh các Cam kết về bảo vệ môi trường; nhiều cam kết trong ĐTM không được chủ đầu tư thực hiện một cách triệt để như: Không thu dọn lòng hồ theo quy định, không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu; vận hành không theo quy trình, chỉ vì lợi ích của tổ chức, cá nhân nên gây gia tăng lũ ở hạ du, suy kiệt nguồn nước ở hạ du… Việc giám sát thực hiện các cam kết trong ĐTM hoặc ĐMC thiếu thường xuyên và không chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.

Suy giảm nguồn nước

Tình trạng suy giảm, khan hiếm nước ở hạ lưu các dòng sông xảy ra thường xuyên trong khi điều kiện khí hậu trên lưu vực diễn ra bình thường hoặc không có biến động lớn. Số liệu điều tra cơ bản 5 năm gần đây ở 40 trạm quan trắc, nguồn nước mưa trung bình lãnh thổ nước ta khoảng 585 tỷ m3, xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) là 592 tỷ m3 tuy thường tập trung vào một vài tháng và mùa mưa kết thúc sớm hơn bình thường; mùa khô thường kéo dài với hàng tháng không mưa hoặc mưa nhỏ không đáng kể. Trong khi đó, tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính như sông Hồng, Đồng Nai – Sài Gòn, Ba, Vu Gia – Thu Bồn… phổ biến thấp hơn TBNN, có nơi thấp hơn khá nhiều.

Tại hạ lưu các con sông Đà, Thao, Lô và Hồng – Thái Bình, nguồn nước trong vài năm gần đây thấp hơn TBNN từ 9 – 20%; Hà Nội, thấp hơn tới 22%, có năm thấp hơn tới 30%; trong mùa kiệt, nguồn nước còn thấp hơn trung bình cùng kỳ đến 50 – 60%; trên các lưu vực sông khác ở nước ta, nguồn nước mặt phổ biến ở mức thấp hơn TBNN 15 – 40%. Dòng sông Hồng, sông Thao có những thời kỳ dài trơ đáy, nguồn nước còn lại quá nhỏ, mực nước giảm quá thấp, cạn kiệt trong nhiều tháng liên tục vào mùa khô 6 – 7 năm gần đây khiến các dòng sông ở tình trạng “lay lắt, héo hon”. Riêng các sông ở Nam Trung Bộ như Bình Định, Bình Thuận, lượng dòng chảy thấp hơn TBNN tới 55 – 80%.

Lạm bàn chất lượng !

Đa số các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân hoặc các công ty cổ phần là chủ đầu tư dẫn đến chủ đầu tư chỉ chú ý đến lợi ích phát điện, ít chú ý đến lợi dụng tổng hợp công trình.

Thực tế đang diễn ra hàng ngày, để nâng cao hiệu quả phát điện, các chủ đầu tư thường xây dựng công trình kiểu đường dẫn, sử dụng đường ống áp lực hoặc đường hầm dẫn nước từ trên cao cắt một đoạn sông để chuyển đến vị trí khác thấp hơn tạo đầu nước lớn phát điện phổ biến trên các sông suối nhỏ ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hậu quả của kiểu bố trí công trình này là cắt nhỏ dòng sông làm mất rừng đầu nguồn khiến đa dạng sinh học bị giảm và gia tăng lũ quét. Theo ước tính diện tích đất, rừng bị mất do xây dựng công trình thủy điện ở nước ta khoảng 275.697 ha, dự báo năm 2015 là 536.598 ha và năm 2020 là 651.996 ha.

Mặt khác, do chỉ chú ý đến hiệu quả phát điện nên trong nhiệm vụ thiết kế, xây dựng công trình, phần lớn công trình hồ chứa không có dung tích phòng, chống lũ cho hạ du, nhất là các công trình thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, các tuyến đập không có giải pháp kỹ thuật (cống, tràn xả sâu, tràn sự cố…), quy trình không có biện pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành cắt giảm lũ vào mùa mưa và cấp nước trong mùa khô nên nếu vận hành không hợp lý đều gây gia tăng lũ trong mùa ngập lụt ở hạ du hoặc không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu cho hạ du trong mùa cạn khiến các sông suối “khô héo” dần.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)