Song song với việc đưa rùa Hồ Gươm lên bờ chữa trị, thì vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là làm cách nào để cải thiện môi trường nước Hồ GươmPGS.TS Trần Đức Hạ, Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước, Môi trường nước trường Đại học Xây dựng về phương án cải thiện môi trường nước Hồ Gươm.
Tình trạng ô nhiễm gia tăng
Hồ Hoàn Kiếm có diện tích 10,6ha, chiều rộng trung bình 200m, chiều dài 600m, độ sâu trung bình 1,5 – 2,0m, với chiều sâu hiện tại thì lượng nước có trong hồ khoảng 160.000 – 200.000m3. Các kết quả khảo sát địa chất thủy văn và địa chất công trình khu vực hồ Hoàn Kiếm năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu môi trường Đại học Mỏ – Địa chất cho thấy hồ Hoàn Kiếm chủ yếu được nước mưa, một phần nước trong tầng trầm tích Holocene và lớp trong sét thấm xuyên cung cấp nên nước trong hồ tồn tại quanh năm. Lớp sét cách nước nằm dưới đáy hồ có bề dày khá lớn (từ 10 – 15m) nên nước trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Lớp bùn trong hồ hiện nay nằm ở bề dày trung bình từ 0,6 – 0,8m. Đặc điểm nổi bật của hồ là màu xanh do các loài tảo đặc hữu. Thành phần thực vật phù du (vi tảo) hồ Hoàn Kiếm rất phong phú với sự xuất hiện của 61 loài thuộc 4 ngành tảo: tảo Lam, tảo Lục, tảo Silic và tảo Mắt.
Những năm gần đây, do các tác động của đô thị hóa, cũng như các hồ Hà Nội khác, hồ Hoàn Kiếm đang phải đối mặt ô nhiễm nặng và chất lượng nước hồ suy giảm. Các yếu tố thủy hóa thể hiện hồ bị ô nhiễm. Các yếu tố môi trường tác động càng làm cho mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhiều động, thực vật trong hồ. Hồ Hoàn Kiếm như một ao tù bị lão hóa với mực nước ngày một cạn dần do bay hơi, mực nước trung bình hiện nay chỉ còn khoảng 1 mét. Bùn cát do mưa kéo xuống, gạch đá, vật thải… tích tụ đã làm lớp bùn lắng đọng trong hồ ngày càng dày, cản trở việc lưu thông nước hồ với các nguồn nước ngầm.
Cần một giải pháp đồng bộ
Tình hình ô nhiễm nước hồ ngày càng gia tăng đòi hỏi phải cải thiện chất lượng nước hồ, đảm bảo cho môi trường trong sạch cũng như bảo tồn các sinh vật quý hiếm, trong đó có rùa Hồ Gươm. Từ nhiều năm nay, UBND TP Hà Nội luôn tập trung chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm. Năm 2003, nước thải được tách ra khỏi hồ Hoàn Kiếm nhờ việc nâng mép hai đập tràn cống xả ra hồ tại phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng so với cao độ trung bình của bờ hồ. Hồ chỉ tiếp nhận nước mưa xung quanh qua cống Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng khi mực nước trong cống cao hơn +7,87m. Các đập tràn tại các cống xả đã tách được hầu hết nước thải đô thị không để chảy vào hồ. Tuy nhiên việc này đã làm giảm đáng kể lượng nước bổ cập cho hồ vào mùa mưa. Mực nước ít khi đảm bảo cao độ +7,60m để duy trì cảnh quan cho hồ. Do không có dòng chảy, hồ bị tù quanh năm, khả năng tự làm sạch nước bị giảm và nguy cơ phú dưỡng gia tăng.
Để xử lý ô nhiễm hồ, Cty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội đã nhiều lần triển khai nạo vét bùn ven bờ hồ cách mép từ 5 -7m. Bùn được nạo vét bằng phương pháp thủ công vào ban đêm. Thông thường lượng bùn nạo vét khoảng 1.000m3/đợt. Công việc này không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và chế độ sinh thái hồ trong thời gian nạo vét. Từ cuối tháng 2/2011 đến nay, công ty đã tiến hành dọn bùn xung quanh bờ và thả bè thực vật thủy sinh trên hồ, tạo môi trường trong sạch để chuẩn bị chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm.
Do mực nước hồ thường bị cạn do bốc hơi trong mùa khô, nên từ năm 2004, thành phố Hà Nội đã nhiều lần phải dùng phương pháp bổ sung nước cưỡng bức bằng nguồn nước của Cty Nước sạch Hà Nội. Lượng nước bổ sung mỗi ngày khoảng 500m3 – 800m3 trên tổng lượng nước trong hồ 160.000m3 cũng không làm xáo trộn điều kiện sinh thái trong hồ.
Kết quả phân tích chất lượng nước của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu sau đợt nạo vét bùn, rác ven bờ và bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm cho thấy mức độ ô nhiễm ở đây giảm và thấp hơn nhiều so với các hồ khác trong thành phố, nồng độ ôxy đã được nâng lên, môi trường sống cho các loài thủy sinh được cải thiện. Tuy nhiên,đây cũng chỉ là các giải pháp tình thế, chưa bảo đảm được một cách bền vững môi trường trong sạch cho hồ Hoàn Kiếm.
Trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hút bùn của CHLB Đức để ổn định và phục hồi môi trường một số hồ ở Hà Nội”,từ 3/11 đến 3/12/2009, Sở KH&CN phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức việc hút bùn thí điểm bằng thiết bị Sediturtle trên diện tích khoảng 1.000m2 tại hồ Hoàn Kiếm. Đây là thiết bị hút bùn sinh thái không ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ, đời sống thủy sinh trong đó và môi trường xung quanh. Tuy nhiên thiết bị hút bùn với công suất 10m3/h không phù hợp để giải quyết được lượng bùn đáy diện tích trên 10 hacủa hồ Hoàn Kiếm.
Môi trường nước hồ Hoàn Kiếm cần phải được cải tạo để bảo đảm cảnh quan, tạo điều kiện sống phù hợp cho Rùa quý và hệ động thực vật thủy sinh. Đó là các giải pháp tổng hợp nhằm tăng dung tích chứa, bổ cập nước sạch, tạo điều kiện dòng chảy, ổn định chế độ oxy và ngăn chặn xả chất thải vào hồ. Bởi vậy, sau khi đưa được rùa Hồ Gươm về khu vực chữa trị, nên triển khai đồng bộ các công việc sau đây: Nạo vét thủ công bùn cặn ven bờ kết hợp với nạo vét cơ giới bùn cặn đáy hồ để có thể tăng thêm chiều sâu của hồ từ 0,3 – 0,6m; kịp thời đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ và các động vật ngoại lai khác; tính toán cải tạo lại đập tràn các hố ga cống thoát nước vào hồ trên phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng để tăng lượng nước mưa cấp cho hồ; nghiên cứu bổ cập thường xuyên nước cho hồ từ các giếng khoan khai thác nguồn nước ngầm ở khu vực lân cận; Lắp đặt các thiết bị sục khí chìm dạng jet trong các giếng ngầm ven bờ để cung cấp oxy cũng như tạo chế độ dòng chảy trong hồ; thả và nuôi trồng có kiểm soát các bè thực vật thủy sinh (như thủy trúc, thiên điểu…) để tạo cảnh quan, tăng cường quá trình làm giàu oxy và làm sạch nước hồ; bằng biện pháp truyền thông kết hợp với biện pháp hành chính ngăn chặn việc phóng sinh rùa tai đỏ, xả rác thải và nước thải vào hồ.
PGS.TS Trần Đức Hạ