Hội thảo khoa học: “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”

IMG_7001_resize

Chiều ngày 19/3, tại Bắc Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND thành phố Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015, đồng thời, là cơ hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về mối quan hệ giữa nước và phát triển bền vững. Tới dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn, cùng đông đảo các đại biểu đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước.

* Hãy bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước một cách khôn ngoan 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định, nước không những cần cho sinh hoạt, sự tồn tại của con người mà nước còn có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, sức khoẻ, giáo dục, bình đẳng và sự phồn thịnh của xã hội. Nếu không có nước, sẽ không có tương lai. Chính vì thế, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã nói: “Nước là cốt lõi hạnh phúc của nhân loại và hành tinh. Chúng ta cần nước cho sức khỏe, cho an ninh lương thực và cho phát triển kinh tế. Nước nắm giữ chìa khóa phát triển bền vững”. Với thông điệp như vậy, ý thức của chúng ta trong việc bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước một cách khôn ngoan sẽ góp phần bảo vệ an ninh xã hội, phát triển kinh tế.”

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, mọi thách thức mà thế giới hiện đang đương đầu đều gắn liền với nước, vì vậy ý thức của chúng ta đối với việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên nước một cách hiệu quả và tiết kiệm sẽ đảm bảo đủ nước cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường. Thế giới cũng đã cảnh báo khủng hoảng về nước không phải do thiếu nước mà là do chưa hiểu hết giá trị của nước, quản trị về nước. “Nước chính là cốt lõi của sự phát triển bền vững, tạo cơ hội phát triển thiên niên kỷ, đồng thời đảm bảo tăng trưởng xanh phát triển một cách hiệu quả” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Tại Hội thảo khoa học, 12 báo cáo của các nhà quản lý, các nhà khoa học có nội dung liên quan đến “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”. Thứ trưởng cho rằng, ở mỗi góc độ khác nhau, các báo cáo viên đã đưa ra những tồn tại thách thức, những bài học kinh nghiệm và đề ra những việc cần triển khai trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Giá trị của nước không chỉ cần cho sự tồn tại, cần cho sự phát triển xã hội, cần cho sức khỏe, cho giáo dục, cho bình đẳng, mà nước còn cần cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho biết, hòa trong không khí chung của các địa phương trong cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày nước thế giới năm 2015, tỉnh Bắc Giang rất phấn khởi và vinh dự được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn là nơi để tổ chức các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015.

Bắc Giang là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, giàu tiềm năng  phát triển. Hầu hết lượng nước khai thác, sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đều được cung cấp bởi ba con sông chính: sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam với tổng chiều dài hơn 347 km. Tuy nhiên, hiện nay, cả ba con sông đang chịu tác động ô nhiễm mạnh của các khu công nghiệp, đô thị và các khu vực phía thượng lưu. Bên cạnh đó, vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường của tỉnh đang trờ thành thách thức cần sớm được giải quyết. Đây là cơ hội cho tỉnh Bắc Giang được đón tiếp, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước.

IMG_0589_resize

* Thách thức trong quản lý tài nguyên nước 

Ông Lê Hữu Thuần – Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội. Một trong những thách thức đó là hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu.

Theo ông Thuần, các thách thức trong quản lý tài nguyên nước còn là mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Dẫn chứng cụ thể cho các thách thức này, ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, quá trình phát triển của Bắc Giang luôn gắn liền với việc khai thác, sử dụng nước mặt ở lưu vực 3 con sông chính: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam. Song tình trạng suy giảm chất lượng nước, thay đổi cảnh quan sinh thái đang diễn ra ở cả 3 con sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam do nước thải, chất thải từ các khu cụm, công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị không được xử lý theo quy định được xả vào lưu vực sông; hoạt động khai thác khoáng sản phía thượng lưu, khai thác rừng đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, khai thác nước mặt, nước ngầm không hợp lý, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa diễn biến bất thường… là những nguyên nhân làm suy giảm, cạn kiệt nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh. “Nhu cầu nước sạch cho người dân ở các khu đô thị, dân cư, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vì vậy đang bị đe dọa; yêu cầu khắc phục kịp thời tình trạng trên trở nên rất cấp thiết” – ông Lại Thanh Sơn nói.

IMG_0600_resize 

* Giải pháp phát triển bền vững tài nguyên nước 

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Lâm, Chuyên gia tài nguyên nước cho biết: Nếu tính tài nguyên nước ViệtNamtheo tổng lượng nước trung bình hằng năm là 9.600 m3/người/năm thì cao hơn mức trung bình của thế giới (7.400 m3/người/năm). Nhưng nếu chỉ tính lượng nước sản sinh nội tại thì tài nguyên nước của nước ta chỉ đạt 4.400 m3/người. Hiện các dòng sông của ViệtNam- nơi cung cấp nguồn nước mặt dồi dào – đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái tài nguyên nước.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lâm, để phát triển tài nguyên nước một cách bền vững trong bối cảnh các công trình khai thác sử dụng nước lớn gần như đã được xây dựng thì việc tập trung vào công tác quản trị tài nguyên nước phải được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, các biện pháp phân bổ, chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên nước hạn chế giữa các vùng, giữa các hộ dùng nước, giữa thượng lưu và hạ lưu cần được đặc biệt chú ý. Các quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước nhằm tìm các biện pháp giảm thiểu hợp lý cho từng khu vực và lĩnh vực cũng cần được tiến hành sớm đối với những khu vực được xem là vùng ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.

Việc sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm cần được áp dụng ở tất cả các ngành, đặc biệt là ngành dùng nước nhiều như nông nghiệp. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện người dùng nước phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải trả phí…

”Muốn phát triển bền vững tài nguyên nước cần áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công”, bà Nguyễn Thị Phương Lâm nói.

Ở Việt Nam, ông Lê Hữu Thuần – Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006; đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, điều tra, quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong việc phát triển bền vững tài nguyên nước.

Theo ông Tống Ngọc Thanh, để phát triển bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội thì cần thực hiện tổng hợp cả nước mặt và nước dưới đất, thống nhất tỷ lệ điều tra tài nguyên nước theo lưu vực sông cũng như trên các vùng miền lãnh thổ trong cùng giai đoạn tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Việc quy hoạch tài nguyên nước cần phải được thực hiện theo trình tự từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh… Chú trọng làm rõ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến việc khai thác, sử dụng nước; bảo vệ tài nguyên nước, đặc  biệt đối với lưu vực sông đang có vấn đề xung đột, cạnh tranh gay gắt về khai thác, sử dụng nước, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và nguồn nước có mối quan hệ quốc gia.

Bên cạnh đó, hội thảo còn thảo luận về những hướng tiếp cận mới mẻ và độc đáo như: Hình ảnh của nước trong tác phẩm nghệ thuật, Nước ảo và dấu chân nước, Giếng làng và giá trị tâm linh. Những bài tham luận đã truyền thông điệp đầy tính nhân văn: Nước là yếu tố quan trọng cho sự sống của con người, hãy sử dụng tiết kiệm nước để giữ gìn sự sống cho thế hệ tương lai.

(Theo monre.gov.vn)