Hà Nội: Trên 3.000 tỷ đồng cho chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Nước sạch nông thôn. Ảnh: Internet
Ngày 20/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đề xuất với UBND thành phố cần khoảng 3.242,3 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn giai đoạn 2011-2015. Trong đó có 1.631,8 tỷ đồng thuộc vốn ngân sách thành phố; 812 tỷ đồng do người dân đóng góp và tự đầu tư; 795,5 tỷ đồng được huy động từ nguồn khác. 
          Ngoài việc lập Quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và VSMT nông thôn Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý rác thải của thành phố, trong năm 2011, thành phố sẽ đầu tư cải tạo, hoàn thiện đưa vào sử dụng 11 công trình cấp nước tập trung tại các xã Phùng Xá (Thạch Thất); Tam Hiệp (Phúc Thọ); Liên Bạt, Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), Chúc Sơn (Chương Mỹ); thị trấn Quốc Oai (Quốc Oai), Dương Liễu (Hoài Đức); thị trấn Phùng (Đan Phượng). Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, đầu tư khôi phục họat động và tiến hành sản xuất kinh doanh đối với 3 trạm cấp nước tại các xã: Kim Lan, Phù Đổng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)…  Trong 5 năm tới, thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ nhân dân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh gia đình (VSGĐ) như hỗ trợ và xây dựng 92.000 công trình bể lọc xử lý nước; xây dựng 5.000 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi hộ gia đình; xây dựng 43.000 nhà tiêu tự hoại. Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sạch quy mô xã, mở rộng mạng cấp nước đô thị; xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, chất thải làng nghề chế biến nông sản thực phẩm… 
       Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thành phố, tính đến hết năm 2010, 84% dân số nông thôn trên địa bàn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 32,1% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hầu hết các xã đã quy hoạch các điểm tập kết rác thải, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt 74,4%; 71,2% công trình nhà tiêu của các hộ nông thôn đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; 59,2% số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải…        
 Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng, sau hai năm thực hiện, nhìn chung tiến độ triển khai chương trình cung cấp nước sạch và VSMT nông thôn vẫn chậm và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan thì có những nguyên nhân chủ quan như vai trò của cơ quan tham mưu cho chương trình là Sở NN&PTNT còn mờ nhạt, chưa làm tốt vai trò đề xuất; hướng dẫn địa phương trong việc điều hành, vận hành, khai thác và sử dụng công trình còn bất cập, thiếu thống nhất; chưa thực hiện triệt để phương châm xã hội hóa trong đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiêp trong việc đầu tư những công trình công ích này.        
 Ông Trịnh Duy Hùng cho biết, trong thời gian tới Thành phố sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, đảm bảo đầu tư đồng bộ, công nghệ tiên tiến… Là cơ quan đầu mối, Sở NN&PTNT phải phát huy năng lực chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, UBND các xã triển khai có hiệu quả Chương trình; ttiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, sử dụng, bảo quản nguồn nước sạch, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch. Trước mắt tham mưu với thành phố ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý nhà nước và cơ chế chính sách về nước sạch và VSMT nông thôn; cùng với UBND huyện, UBND xã tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

   

(Theo Monre.gov.vn)