Hà Nam cần có giải pháp hạn chế nguồn nước ô nhiễm đổ vào kênh A48

Vài năm trở lại đây, môi trường nước của dòng kênh A48 nối từ thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên về thành phố Phủ Lý (Hà Nam), chảy qua địa bàn một số xã dọc Quốc lộ 1A của hai địa phương trên bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm đã gây khó khăn và làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản của hàng trăm hộ dân dọc bờ kênh.
Ông Lê Hắc Quỳnh, 58 tuổi, thôn Thượng, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên cho biết: Gia đình ông có nghề nuôi cá trên 40 năm nay, nhưng chưa bao giờ việc chăn nuôi thủy sản lại khó khăn như những năm gần đây bởi nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để minh chứng, ông Quỳnh dẫn chúng tôi ra bờ kênh A48, trực tiếp lật lên một lớp bèo, ngay lập tức mùi hôi từ mặt nước bốc lên nồng nặc gây cho những người đứng xung quanh một cảm giác hết sức khó chịu. Ông Quỳnh cũng cho biết thêm: Sản lượng cá những năm trước đây của gia đình thường đạt khoảng gần 3 tấn/năm. Nhưng khoảng 4 năm nay, cũng diện tích mặt ao như thế, cũng lượng cá giống được thả như những năm trước nhưng sản lượng chỉ đạt được khoảng 1,2 tấn cá/năm. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, ao của ông bị thiệt hại 2 tạ cá chết vì nước quá ô nhiễm. Vụ cá năm trước, chỉ trong 10 ngày mà gia đình bị thiệt hại 5 tạ cá, ngoài ra còn bị chết gần 1.000 con ngan. Những ngày nước ô nhiễm xả về dòng kênh, người dân còn không dám đi lại qua trục đường chính vì mùi hôi thối.
Tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, gia đình ông Chu Bá Hà, được coi là hộ nuôi cá quy mô lớn của xã với diện tích ao lên đến 5 mẫu. Gia đình ông Hà làm nghề nuôi cá từ năm 1988, hàng năm đều cho sản lượng và chất lượng cá ổn định. Tuy nhiên khoảng 4 năm trở lại đây, nguồn nước ô nhiễm đã gây nhiều khó khăn cho việc nuôi thả cá của gia đình. Trước tình trạng này, ông Hà không dám lấy nước từ kênh vào ao. Ông phải “gom” nước từ trên mặt ruộng, vì vậy năng suất và điều kiện nuôi thả cá cũng bị phập phù theo. Theo phản ánh của ông Hà: Tại thôn Lão Cầu hầu như nhà nào cũng có ao và có nghề nuôi thả cá, trước đây nghề nuôi cá mang lại thu nhập chính cho người dân trong thôn, nhưng hiện nay, thu nhập của người dân cũng bấp bênh như dòng nước. Nhiều hộ đã phải bỏ nghề nuôi cá mà họ đã gắn bó hàng chục năm. Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân trong thôn Lão Cầu, thôn Thượng cũng như người dân của xã Tiên Tân, Hoàng Đông, Tiên Nội (huyện Duy Tiên) và các xã Lam Hạ, Quang Trung (thành phố Phủ Lý), nơi có dòng kênh A48 chảy qua đều cho rằng, khoảng 5 năm trở về trước, dòng kênh này nước rất trong và sạch, không có mùi như bây giờ. Nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm được người dân cho là do Khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Duy Tiên) ở phía thượng lưu dòng kênh vì từ khi có cống thông nước từ Khu công nghiệp Đồng Văn ra kênh thì mới xuất hiện tình trạng ô nhiễm nêu trên. Không chỉ phục vụ việc chăn nuôi thủy sản, dòng kênh này còn là nguồn nước chính tưới tiêu cho diện tích ruộng của nhiều xã trong khu vực. Mỗi dịp đổ ải, khi bơm nước vào đồng ruộng thì bọt tung lên trắng xóa, bọt đùn lên cao hơn đầu người.
Trong khi đó, ông Phạm Bá Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho rằng: Người dân phản ánh tình trạng nguồn nước kênh A48 bị ô nhiễm là chưa có căn cứ. Bởi Khu công nghiệp Đồng Văn đưa vào hoạt động hệ thống hệ thống xử lý nước thải công nghiệp từ năm 2009, đạt tiêu chuẩn loại B, QCVN 40:2011/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, toàn bộ nước thải công nghiệp đều được xử lý theo tiêu chuẩn trước khi đổ ra kênh. Hệ thống có công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý được hết nước thải công nghiệp của các nhà máy trong Khu công nghiệp Đồng Văn. Ông Tùng cho rằng, kênh A48 có nguồn nước tổng hợp từ sông Nhuệ và các nguồn nước thải từ khu dân cư, do đó người dân phản ánh là chưa đủ căn cứ.
Được biết, hiện chưa có kết luận chính thức nào của cơ quan chức năng về nguyên nhân cũng như các giải pháp mang tính tích cực để hạn chế nguồn nước ô nhiễm đổ vào dong kênh A48. Nhưng những thiết hại người chăn nuôi phải gánh chịu thì đã rõ. Thiết nghĩ chính quyền các cấp của tỉnh Hà Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường dòng kênh, tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trả lại môi trường trong sạch của dòng kênh, cũng như mang lại điều kiện sản xuất tốt nhất cho người dân.

 
 
(Theo Monre.gov.vn)