Hà Giang: Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hồ “treo” trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) có tổng diện tích tự nhiên gần 2.400 km2, dân số chiếm 34% toàn tỉnh. Nhiều năm qua, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây vô cùng gian khó vì thiếu đất sản xuất, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nhưng khổ nhất mỗi năm vào mùa khô bà con thiếu nước sạch từ 3-4 tháng. Để từng bước khắc phục khó khăn, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, giải pháp được thực hiện là xây các bể lớn- các hồ “treo”   để trữ nước, đặc biệt là nước mưa trên Cao nguyên đá.
Từ năm 2007 đến đầu tháng 8/2011, trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã, đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng 91 hồ với tổng mức đầu tư 989,2 tỷ đồng. Trong đó 37 hồ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 40 hồ đang khẩn trương được thi công và 14 hồ chuẩn bị đầu tư. Trong đó huyện Quản Bạ có 18 hồ (2 hồ đã hoàn thành); huyện Yên Minh 24 hồ (7 hồ đã hoàn thành); huyện Đồng Văn 33 hồ (15 hồ đã hoàn thành) và huyện Mèo Vạc có 16 hồ (13 hồ đã hoàn thành). Các hồ đều có dung tích khá lớn, trung bình dung tích từ    5.000 – 10.000 m3.
Các hồ “treo” hoàn thành và đưa vào sử dụng đã và đang phát huy hiệu quả to lớn về kinh tế-xã hội, là cơ hội làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt bao đời nay của đồng bào vào mùa khô. Góp phần cải thiện cuộc sống, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, ổn định chính trị vùng biên cương của Tổ quốc.
Hiện nay các hồ được xây dựng hầu hết ở gần trụ sở UBND xã, gần khu dân cư, tạo thuận lợi cho bà con sử dụng. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa có những quy định cụ thể về sử dụng nước hồ “treo”. Việc dùng bơm tay lấy nước do công tác quản lý, bảo quản chưa tốt dẫn đến tình trạng bơm hư hỏng không sử dụng được. Bà con đồng bào dân tộc chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, đi làm nương về xuống bậc lấy nước hoặc giặt giũ quần áo ngay trên bờ mặt hồ, vứt rác bừa bãi xung quanh tường rào… làm mất vệ sinh nước trong hồ chứa. Các hồ đều thực hiện chung giải pháp tích nước là thu nước mặt, hệ thống lọc là lọc thô nên công tác đảm bảo vệ sinh nguồn nước chưa an toàn. Các hồ sử dụng tích nước nguồn nước lầy từ nước mưa là chính, chất lượng nước chưa đảm bảo vệ sinh, nên nhiều hồ đã tích tụ bùn đất lớn, rong rêu nhiều… ảnh hưởng lớn chất lượng nước nhưng chưa có giải pháp cụ thể.
Hơn nữa, các hồ khi xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư đã bàn giao cho UBND xã trực tiếp quản lý, khai thác. Hiện nay tại các xã có công trình hồ treo đều cử người trông coi, bảo vệ. Nhưng việc quản lý khai thác, bảo dưỡng còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi, nhiều chỗ người dân và thậm chí cả bộ máy cấp xã còn coi đây là công trình của Nhà nước, chưa có quy chế vận hành quản lý, bảo dưỡng cụ thể. Dẫn tới công trình vừa mới xây dựng xong đã bị xuống cấp, mất vệ sinh, hiệu quả đầu tư không cao.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng hồ “treo” trên Cao nguyên đá Đồng Văn, việc cần làm là tuyên truyền vận động đồng bào ý thức giữ gìn vệ sinh khi sử dụng nước hồ. Có hình thức lấy nước phù hợp để không mất vệ sinh nước trong hồ. Tìm các biện pháp xử lý làm sạch nước hồ trước khi sử dụng. Phân công người trông nom, quản lý, hướng dẫn bà con trong quá trình lấy nước và sử dụng nước. Các hồ “treo” đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng cần trồng rừng cây xung quanh khu vực từng hồ chứa để bảo vệ nguồn nước và tạo cảnh quan cho hồ “treo” trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Làm tốt những việc nói trên thì mục tiêu mà UBND tỉnh Hà Giang đề ra sẽ đạt kết quả cao. Đó là không chỉ có đủ nước mà phải là nước sạch, đảm bảo chất lượng để phục vụ ngày một tốt hơn cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi cao nguyên cực Bắc của Tổ quốc.
(Theo Monre.gov.vn)