Hà Giang: Đừng làm chết yểu các công trình an sinh xã hội

Hà Giang là tỉnh vùng núi cao biên giới, nghèo vào diện nhất nhì cả nước. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều các công trình, nhất là công trình an sinh xã hội được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hầu hết các dự án đầu tư phục vụ đều từ yêu cầu cấp thiết của cuộc sống; sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được xã hội thừa nhận tính hiệu quả cũng như ý nghĩa to lớn của công trình. Tuy nhiên, nhiều công trình tiền tỷ cũng đang trước nguy cơ chết yểu trước sự vô cảm của người quản lý và người sử dụng.
Dự án 12 giếng khoan ở huyện Quản Bạ cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn bà con ở vùng “khát nước” thuộc địa bàn xã Thanh Vân, Quyết Tiến và thị trấn Tam Sơn với vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng (thời điểm năm 2003) từ nguồn ngân sách Nhà nước đã được triển khai. Phần lớn, các giếng khoan được khởi công xây dựng từ tháng 6/2003; đến tháng 11/2003, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những tưởng bà con trong vùng dự án từ nay hết phải chịu cảnh “khát nước” vào mùa khô. Tuy nhiên, mới qua mấy năm sử dụng, giờ chỉ còn 3 giếng khoan hoạt động. Theo lời ông Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân: Phần lớn, các giếng khoan đến nay trong tình trạng không sử dụng được; các hạng mục công trình đều xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính về sự “chết yểu” của các giếng khoan được nhà chức trách địa phương đưa ra là: Các máy bơm ở đây chạy bằng điện nên để duy trì sự hoạt động của máy bơm thì người dùng nước phải đóng tiền điện (khoảng 3000 đồng/m3 nước). Do không tính toán chi ly được cho từng hộ dùng nước nên người đóng nhiều thắc mắc với người đóng ít để cuối cùng bà con hết đóng tiền. Không có tiền, không có điện, máy không chạy nằm nghỉ và ngủ dài hơi luôn. Máy móc không hoạt động, để lâu ắt han rỉ và hỏng lại là chuyện bình thường.
Ba giếng khoan còn hoạt động đến nay tìm hiểu được biết là do nhờ một số nhóm người dân địa phương có trách nhiệm đóng góp mua máy bơm mới thay cái cũ hỏng, tu sửa và nâng cấp đường điện, thay thế hệ thống ống dẫn nước, bảo quản bể nước… nên công trình mới kéo dài tuổi thọ để phục vụ lại nhân dân.
Cùng một chuyện về cái giếng khoan mà có bao điều suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi người với tư cách nhà thầu xây dựng, nhà quản lý và người sử dụng. Nếu người dân các thôn bản khác cũng có suy nghĩ như bà con ở nơi 3 giếng khoan còn đang hoạt động thì chắc chắn mấy năm nay họ cũng có nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, công trình đầu tư tiền tỉ không phải cảnh phơi nắng mưa. Mặt khác, nếu người có trách nhiệm biết tổ chức quản lý và khai thác công trình thì chắc chắn ngày nay không phải ngồi làm Tờ trình chờ xin cấp trên kinh phí sửa chữa… Phải chăng, căn bệnh kinh niên của cách nghĩ “dùng của chùa” đến nay vẫn chưa thay đổi được bao trong cán bộ và đồng bào nơi đây.
Câu chuyện 12 cái giếng khoan với số tiền đầu tư trên vài tỉ ở hyện Quản Bạ vào cuối năm 2003 dự báo có điều gì đó giống với câu chuyện nhiều chục chiếc “hồ treo” với vốn đầu tư nhiều trăm tỉ đồng đã và đang được triển khai trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang.. Theo chương trình của Hà Giang, tỉnh đã lập kế hoạch gửi Trung ương: Đến năm 2015, Hà Giang sẽ xây dựng thêm 300 hồ treo chứa nước lớn bé các loại để cung cấp nước sinh hoạt cho 17000 dân 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc); số tiền đầu tư chắc phải tới con số nghìn tỉ đồng.
Câu chuyện ngày hôm nay về những chiếc giếng khoan chết yểu ở huyện Quản Bạ sẽ lại là câu chuyện về số phận những chiếc hồ treo trên núi ngày mai. Mùa khô năm trước, khi những chiếc hồ treo hết nước, có dịp phơi bày rõ những khiếm khuyết kỹ thuật trong xây dựng cùng sự vô trách nhiệm và thiếu ý thức của người sử dụng đã gióng lên hồi chuông báo động về ngày khai tử của hồ treo.
Để các công trình xây dựng bền vững lâu dài cùng thời gian, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, nhất là với bà con các dân tộc ít người nơi vùng sâu, vùng xa ở biên cương Tổ quốc đòi hỏi các nhà quản lý và chính quyền các cấp Hà Giang phải vào cuộc. Sự vào cuộc ở đây không phải bằng sự hô hào chung chung; phải thể hiện trong việc học tập cách quản lý mới, dứt tình với cách quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc”; người được hưởng thụ cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo quản và duy trì hoạt động của công trình… Công trình càng lớn, vốn đầu tư càng nhiều thì trách nhiệm của nhà quản lý và người sử dụng càng cao. Đừng để các công trình đắt tiền mang lại ích lợi trực tiếp hàng ngày cho mọi người sớm bị hủy hoại bởi sự vô cảm của con người.
 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)