Hồ đập tại Quảng Trị có nguy cơ mất an toàn

Quảng Trị có 48/131 hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp. Nếu không có giải pháp khẩn cấp gia cố, khắc phục, rất nhiều hồ chứa ở Quảng Trị sẽ rơi vào tình trạng mất an toàn trong mùa mưa lũ năm nay.

Nhiều hồ chứa đang…lão hóa

Ngày 7/9, chúng tôi có mặt tại công trình đập dâng Nam Thạch Hãn, ghi nhận những bất ổn của công trình đập dâng phục vụ tưới tiêu cho 15.000 ha lúa và đất đai canh tác của các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị khi mùa mưa lũ đang cận kề. Công trình thủy lợi này được xây từ năm 1978, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, thường trực nguy cơ mất an toàn.

Tháng 10/2016, một trận lũ lớn đã cuốn phăng gần 1.000 m3 bê tông cốt thép kết cấu của con đập. Nước lũ cũng xói sâu tạo thành nhiều hốc rỗng trong thân đập khiến công trình đập dâng có tuổi đời gần 40 năm này thêm rệu rã .

Ông Nguyễn Sinh Công, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH.MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết, sau sự cố mưa lũ tàn phá đập dâng Nam Thạch Hãn vào cuối năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã khắc phục, gia cố bằng rọ đá nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Do gia cố tạm thời nên nguy cơ mất an toàn công trình đập dâng Nam Thạch Hãn trong mùa mưa bão năm nay là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Sinh Công, khó khăn lớn nhất để duy trì nhiều hồ chứa được xây dựng từ  cách đây 30 đến 40 năm là kinh phí. Công ty được giao quản lý, khai thác 16 hồ chứa với tổng dung tích 190 triệu m3 nước, 8 đập ngăn mặn, 27 trạm bơm lớn nhỏ, phục vụ cho 31.000 ha lúa và đất canh tác của tỉnh Quảng Trị. Nhiều công trình đập, hồ chứa có tuổi thọ cao đã xuống cấp nhưng không có kinh phí đầu tư.

Theo quy định, các hồ, đập dâng có dung tích 10 triệu m3 trở lên, cứ sau 10 năm phải tiến hành kiểm định an toàn bằng phương pháp khoa học nhưng do thiếu kinh phí nên đơn vị được giao quản lý, khai thác chỉ có thể đánh giá bằng trực quan.

Đơn cử là công trình hồ thủy lợi La Ngà (địa bàn xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) được xây dựng từ năm 1960, đưa vào khai thác từ năm 1964 nhưng chỉ mới được nâng cấp, sửa chữa 2 lần vào năm 1975 và năm 2015.

So với 48 hồ, đập thủy lợi  xuống cấp trầm trọng ở Quảng Trị thì hồ thủy lợi La Ngà có tuổi đời cao nhất. Gần 60 năm phục vụ tưới tiêu cho đất đai canh tác của các huyện phía Bắc Quảng Trị, hồ chứa La Ngà  gần như không còn đủ sức trụ lại sau mỗi mùa mưa bão. Số phận hồ chứa La Ngà đang rất mong manh do địa phương thiếu kinh phí

Báo động xâm phạm hồ, đập

Theo thống kê mới nhất của ngành chức năng Quảng Trị: Hiện có 370 trường hợp xâm phạm phạm vi bảo vệ hệ thống công trình đập dâng Nam Thạch Hãn, trong đó 270 trường hợp xâm phạm hệ thống kênh mương và 100 trường hợp xâm phạm công trình đầu mối. Có mặt tại công trình đập dâng Nam Thạch Hãn, chúng tôi chứng kiến tình trạng ngang nhiên cát cứ của tư nhân đối với công trình thủy lợi hết sức quan trọng này.


Khi chúng tôi tiếp cận để ghi hình khu vực lòng hồ  thì bị người đàn ông đứng trên 1 trong 3 chiếc sà lan neo đậu ven hồ, ngăn cản bằng thái độ hết sức ngang ngược.

Người đàn ông này cho rằng khu vực neo đậu của 3 chiếc sà lan là đất mà anh ta đã “mua”, không ai được quay phim, chụp ảnh (?). Chưa có lời giải thích thỏa đáng của doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác công trình đập dâng Nam Thạch Hãn. Tuy nhiên những gì mà chúng tôi chứng kiến cho thấy, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn không chỉ mất an toàn bởi mưa bão, thiên tai mà còn bởi tác động mưu sinh của con người

Theo ông Nguyễn Sinh Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, ngoài hệ thống công trình đập dâng Nam Thạch Hãn và công trình thủy lợi Trúc Kinh bị xâm phạm; nhiều công trình, hồ chứa khác  cũng đang chịu tác động của việc  trồng rừng, cây công nghiệp, làm ruộng, mở rộng vườn tược, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình, chăn thả gia súc, gia cầm trên mặt đập. Tác động từ con người khiến việc quản lý, khai thác 18 hồ đập, 19 trạm bơm điện và hơn 700km kênh mương trải dài trên 8 huyện, thị xã, thành phố của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị thêm khó khăn.