Nguồn nước ngầm ở Hội An ô nhiễm nghiêm trọng do lượng lớn chất thải sinh hoạt lẫn chất thải công nghiệp đổ ra môi trường. Theo báo cáo của chính quyền thành phố, các mẫu xét nghiệm nước ngầm cho thấy, nguồn nước bị nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
“Ở những khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm chưa đến độ báo động, thành phố vẫn cho nhân dân khai thác sử dụng vào mục đích sinh hoạt, nhưng phải qua lọc kỹ. Với những khu vực ở mức báo động như quanh bãi rác Cẩm Hà (thôn Bàu Ốc Thượng, Cẩm Hà), khu vực nghĩa trang thành phố, Bàu Súng (Thanh Hà)… người dân được khuyến khích dùng nước đóng bình đã qua tiệt khuẩn, nước máy để sinh hoạt, để uống”, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nói.
Hội An hiện có khoảng 21 nghìn hộ dân, với 91 nghìn nhân khẩu, chưa kể 1,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch mỗi năm. Nhưng, mạng lưới cấp nước sạch của Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An chỉ mới đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu về nước sạch cho một số khu vực thuộc trung tâm thành phố (khoảng 5 – 6 nghìn hộ). Số còn lại phải khai thác cả nước mặt lẫn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Thời điểm tháng 6, tháng 7 vừa qua, người dân phải tiết kiệm tối đa nguồn nước sinh hoạt nhưng vẫn không đủ dùng. Phường Tân An, khu vực nằm cạnh nhà máy nước hiện vẫn chưa được cấp nước máy; khu vực phường Sơn Phong, Cẩm Phô… cũng chịu chung cảnh ngộ. Ở phường Tân Hà, nước sạch chỉ được cấp số ít. Các hộ dân trên đường Lý Thường Kiệt (phường Sơn Phong), cho biết, họ sử dụng nước hút từ giếng bơm để sinh hoạt. Nhiều khi giếng bị nhiễm tạp chất, nổi váng nên dù lọc kỹ, vẫn không dám uống. “Để phục vụ khách tham quan, du lịch, quán chúng tôi phải dùng nước bình tiệt khuẩn để nấu nước sôi, pha cà phê, pha trà chứ dùng nước giếng lọc không an tâm. Thế là chúng tôi phải tốn kém một khoản không nhỏ để mua nước” – chủ quán cà phê Âu Lạc (đường Lý Thường Kiệt) nói.
Phòng Kinh tế TP.Hội An đã hoàn thành phương án cấp nước sạch cho 4 xã Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim và xã đảo Tân Hiệp (là các xã thuộc diện được cấp nước sạch theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn). Theo đó, “Dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống nước sinh hoạt tại Cẩm Thanh” có tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ đồng, “Dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống nước sinh hoạt tại Cẩm Kim” có tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ đồng, “Dự án xây dựng hạ tầng cơ sở xã đảo Tân Hiệp” (thuộc Chương trình Biển Đông hải đảo)… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện.
Những tháng cao điểm mùa nắng, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu resort tại phố cổ đồng loạt kiến nghị thành phố can thiệp khi việc kinh doanh của họ gặp khó do khách du lịch lần lượt bỏ đi do thiếu nước sinh hoạt. Theo lãnh đạo Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, việc chặn dòng của thủy điện đã khiến hệ thống sông khô hạn, mặn xâm nhập vùng hạ lưu, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, phân phối nước cho thành phố…
Tại vùng ven Hội An, tình hình càng nghiêm trọng. Các khu vực Thanh Hà, Cẩm Nam, Cẩm Hà, Cẩm Kim, đường ống chính dẫn nước đã phủ khắp địa bàn, nhưng hầu hết người dân vẫn sử dụng nước giếng bơm, giếng đào qua lọc thô hoặc lọc bằng máy khử RO. Khu vực Cẩm Thanh bị nhiễm phèn rất nặng, nhưng do đây là xã cuối cùng của Hội An, nên mãi đến nay, nước sạch vẫn chưa tới.
Theo ông Lê Hữu Hùng – Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP.Hội An, khó khăn hiện nay là Hội An vẫn chưa có hệ thống cấp nước chính chạy dọc theo trung tâm thành phố và tỏa ra các xã, phường lân cận. Phòng Kinh tế được giao phụ trách quản lý việc cấp nước sinh hoạt cho nông thôn, còn khu vực nội thành và vùng ven thuộc trách nhiệm của Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An. “Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng một cách có hệ thống là việc hết sức khó khăn, cần phải có một dự án lớn, tổng thể. Vì trong thực tế, Hội An là phố cổ, phố du lịch, việc đào đường, giải tỏa nhà dân, lắp đặt đường ống là cả vấn đề. Ngay cả 4 xã nằm trong chương trình mục tiêu vẫn thiếu kinh phí để thực hiện, huống gì toàn thành phố, phải cần đến nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mới có thể thực hiện thi công, đấu nối, cung cấp nước sạch một cách có hệ thống, đồng bộ” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Ngô Đức Liêm – Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An cho rằng, việc mở rộng hạ tầng, mạng lưới gặp khó khăn do kinh phí đầu tư quá lớn. Phương án hỗ trợ duy nhất của thành phố là đầu tư hạ tầng từ nguồn mục tiêu quốc gia, rồi bàn giao hạ tầng lại cho xí nghiệp để chia sẻ gánh nặng đầu tư của doanh nghiệp, song một số hạ tầng vẫn chưa được triển khai vì đang chờ phân bổ kinh phí từ tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng, mặc dù vấn đề nước sạch trở nên cấp thiết, nhưng chưa thể có giải pháp gì, bởi mọi việc đã vượt khả năng của thành phố. Chưa kể, nếu đưa ra giải pháp cũng khó thực hiện vì yêu cầu về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng cấp nước rất lớn. Mọi việc phải chờ nhà máy cấp nước công suất lớn tại cụm công nghiệp Đô thị dịch vụ Thanh Hà trên diện tích 21.000m2 đi vào hoạt động vào năm 2014. Quan trọng là khâu thi công sao cho đảm bảo tiến độ để nước sạch không còn là vấn đề bức thiết của một thành phố du lịch – sinh thái – văn hóa.
(Theo Monre.gov.vn)