Giải quyết thực trạng suy giảm nguồn nước ở hạ lưu các sông

Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhu cầu về nước không ngừng tăng lên mà nhiều dòng sông lại bị suy thoái, ô nhiễm, nước sạch ngày một khan hiếm. Hạn hán, thiếu nước diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng. An ninh về nước cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang không được bảo đảm ở nhiều nơi, nhiều vùng ở nước ta.
 
Mực nước các sông hạ thấp theo từng năm
Số liệu điều tra cơ bản 5 năm gần đây cho thấy, tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những LVS chính nước ta, như sông Hồng, Đồng Nai – Sài Gòn, Ba, Vu Gia – Thu Bồn… phổ biến thấp hơn trung bình hàng năm (TBNN), có nơi thấp hơn khá nhiều. Tại hạ lưu các sông Đà, Thao, Lô và Hồng – Thái Bình, nguồn nước thấp hơn TBNN từ 9 – 20%; tại Hà Nội, thấp hơn tới 22%, có năm thấp hơn tới 30%; trong mùa kiệt, nguồn nước còn thấp hơn trung bình cùng kỳ đến 50 – 60%; trên các lưu vực sông khác ở nước ta, nguồn nước mặt phổ biến ở mức thấp hơn TBNN 15 – 40%, riêng các sông ở Nam Trung Bộ như ở tỉnh Bình Định, Bình Thuận, lượng dòng chảy thấp hơn TBNN tới 55 – 80%.
Trong mùa kiệt, nguồn nước mặt suy giảm nghiêm trọng đã diễn ra ở hạ lưu các hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, dẫn tới suy giảm liên tục ở hạ lưu sông Hồng. Đây là hiện tượng hoàn toàn khác với bình thường vì về nguyên tắc, các công trình hồ chứa đều có nhiệm vụ bổ sung nguồn nước vào mùa kiệt. Tình trạng trên còn khá phổ biến ở đa số các lưu vực sông khác như sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, sông Kôn, sông Ba, Đồng Nai – Sài Gòn, Sê San, Srepok… làm cho nhiều dòng sông vốn khá phong phú nguồn nước nay mất dòng chảy hoặc cạn đến mức chưa từng thấy. Dòng sông Hồng, sông Thao có những thời kỳ dài trơ đáy, nguồn nước còn lại quá nhỏ, mực nước giảm quá thấp, cạn kiệt trong nhiều tháng liên tục vào mùa khô 6 – 7 năm gần đây làm con sông luôn sống “lay lắt”, hạ lưu sông Hồng “héo hon” một cách tệ hại chưa từng thấy (mực nước thấp nhất năm tại Hà Nội liên tục xuống thấp, năm sau thấp hơn năm trước, lập những kỷ lục cạn kiệt chưa từng thấy trong chuỗi số liệu quan trắc trong gần 110 năm qua). Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình trạng suy giảm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trên cả nước, nhất là các tháng cuối mùa kiệt. Thiếu nước, suy giảm nguồn nước có thể căng thẳng hơn ở hầu khắp các khu vực làm ảnh hưởng lớn tới cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở vùng hạ du nhiều LVS chính nước ta.
 
Tăng cường phối hợp trong quản lý tài nguyên nước lưu vực sông
Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh, chuyên gia về TNN, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, khan hiếm, thiếu nước đã, đang làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đây thực chất là vấn đề về sự công bằng và các quyền hợp pháp trong sử dụng nước, các vấn đề xã hội; về nguyên tắc ứng xử với nước và với cộng đồng dân cư nên cần phải được xem xét một cách thỏa đáng.
Những biện pháp quan trọng hàng đầu mà các chuyên gia tài nguyên nước đưa ra gồm: Điều tra cơ bản đồng bộ; Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước LVS; Phát triển nguồn nước với các biện pháp công trình và phi công trình; Xây dựng cơ chế điều hòa, phân bổ nguồn nước ở một số lưu vực trọng điểm…
PGS.TS Lê Bắc Huỳnh đề xuất, trước mắt, cần tăng cường phối hợp quản lý tài nguyên nước trong mùa khô ở các địa phương có các LVS với nhiều công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi đặc biệt trong giám sát, kiểm soát việc quản lý vận hành, khai thác sử dụng các hồ chứa nhằm tích đủ nước vào hồ, bảo đảm nguồn nước cho hạ du đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, kinh tế, xã hội và BVMT. Phối hợp liên ngành ở TW và các địa phương liên quan trong quản lý vận hành hợp lý các hệ thống hoặc bậc thang các hồ chứa lớn trọng điểm quốc gia (như trên LVS Hồng, Đồng Nai – Sài Gòn, Srepok, sông Ba, Vu Gia – Thu Bồn…) nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất và tăng cường trao đổi thông tin tài nguyên nước và dữ liệu liên quan phục vụ giám sát, chỉ đạo quản lý khắc phục và giảm thiểu tác động của tình trạng suy giảm nguồn nước đến đời sống và phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

 

(Theo Monre.gov.vn)