Giá làm ra điện quá đắt

tt752Theo nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”, trung bình mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn có khoảng 2,5 dự án thủy điện. Tính ra, để có được 1MW điện sẽ mất 62,63ha diện tích đất rừng và rừng đặc dụng. Dân trả giá cho mỗi ký điện hiện nay rất rẻ, nhưng đất nước, con cháu mai sau phải trả giá cho điện quá đắt.
Con số diện tích rừng bị tàn phá vì các công trình thủy điện theo nghiên cứu trên cho thấy một bức tranh u ám về môi trường của VN. Rừng bị phá bằng nhiều cách, do lâm tặc ăn cắp và buôn lậu, do những cuộc di dân vào vùng cao, do bà con thiếu cái ăn đốt rừng làm nương rẫy. Nhưng những kiểu phá rừng đó không thể sánh được với tốc độ hủy diệt rừng của các công trình thủy điện.

Bởi vì, có được giấy phép thực hiện dự án, người ta phá rừng công khai, ồ ạt bằng các phương tiện cơ giới và kỹ thuật hiện đại. Đi đến các dự án thủy điện, sẽ thấy lo sợ vì chứng kiến tận mắt thảm cảnh con người tấn công quá thô bạo đến thiên nhiên. Chưa kể một khả năng khác, đó là người ta lợi dụng dự án thủy điện để thực hiện “dự án” khai thác gỗ.

Một vấn đề đặt ra là trong các dự án thủy điện đó, có bao nhiêu dự án thực sự mang lại hiệu quả, có bao nhiêu dự án thực hiện đầy đủ và chính xác các bước kỹ thuật theo quy định, nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đã có quá nhiều nghi ngờ về độ trung thực và tính khách quan của các báo cáo này, căn nguyên là các quy định thực hiện khâu này chưa chặt chẽ.

Chủ đầu tư có thể chi phối đơn vị tư vấn và tất nhiên đồng tiền sẽ có cơ hội phát huy sức mạnh nếu như không có nhiều tổ chức khác giám sát, phản biện. Về vấn đề này, thực tế đã chứng minh rành rành, các mùa mưa vừa qua, hoạt động xả lũ của các hồ chứa đã gây nên lũ lụt nặng vùng hạ lưu. Hậu quả nặng nề từ các đợt lũ lụt này một phần vì thiên tai, nhưng phần lớn là do rừng bị tàn phá bởi chính các công trình thủy điện.

Còn nhớ sau cơn lũ dữ ở Hà Tĩnh năm trước, trả lời báo chí, ông Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh – cho rằng: “Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thuỷ điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển”. Chính ông Đàn thừa nhận bản thân ông cũng có trách nhiệm đối với các công trình đó, vì vào thời điểm thực hiện nó, ông là chủ tịch tỉnh. Ông phân tích, trong quá trình làm hồ đập thủy điện, không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư.

Bài toán quy hoạch rừng và quy hoạch thủy điện không đơn giản bởi vì tự nó có những xung đột giữa mất và có. Bởi vì khó cho nên mới cần đến những bộ óc thông minh, có tầm nhìn xa trông rộng và cái tâm vì nước vì dân. Để có 1MW điện mà phá đi 62,63ha diện tích đất rừng và rừng đặc dụng thì tài cũng không mà tâm cũng không.    

(Theo Lê Thanh Phong – laodong.com.vn)