Gia Lai: Dân “khát” bên dòng sông “chết”

tt847Người dân vùng hạ lưu sông Ba đang khắc khoải với niềm mong mỏi: Bao giờ dòng sông hết ô nhiễm và người dân có nước sạch để dùng ?

Sống cùng nước bẩn

10 giờ sáng, đoạn đường từ huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) ra thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tấp nập, từng tốp người đi xe gắn máy chở kềnh càng những can nhựa lớn đựng nước. Họ là những người dân sống ở thị xã An Khê, do nguồn nước sông Ba bị ô nhiễm nên phải vào huyện Kbang – thượng nguồn sông Ba lấy nước về dùng. Bất kể ngày nắng hay mưa, họ phải đi gần 30km, vượt qua những chặng đường gập ghềnh, đầy ổ gà để lấy nước nấu nướng và uống. Đây là công việc hàng ngày của một bộ phận người dân thị xã An Khê trong suốt một năm qua, kể từ ngày dòng sông Ba bị nhiều công ty, nhà máy xả thải xuống, gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Khệ nệ xách từng can nước loại 20 lít từ trên chiếc xe máy “cà tàng” đổ vào chiếc phuy lớn dựng trong góc bếp, từng giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt nám đen, chị Nguyễn Thị Ba, một người dân sống ở phường An Phú (thị xã An Khê) nói như mếu: “Vất vả lắm, tuần nào cũng vượt vài chục cây số đi lấy nước về nấu nướng. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ, sao người dân chúng tôi khổ thế!”. Theo chị Ba, từ trước đến nay, gia đình chị cũng như hàng ngàn hộ gia đình sống ở thị xã An Khê sử dụng nguồn nước máy từ Nhà máy Nước An Khê. Nhưng đã một năm nay, sông Ba bị ô nhiễm nặng nên chất lượng nước máy cũng bị ảnh hưởng theo. Mỗi lần mở vòi nước, từng dòng nước đục ngầu đầy cặn đỏ chảy ra, khiến nhiều gia đình không dám sử dụng để ăn uống, chỉ dùng để tắm giặt.

Mỗi gia đình đều có nhiều “sáng kiến” khác nhau để tìm nguồn nước sạch. Có điều kiện kinh tế thì mua nước đóng bình phục vụ nhu cầu ăn uống, đào giếng… Không có điều kiện đành vượt những chặng đường dài “cõng” nước về dùng. Chị Bùi Lan Anh, hàng xóm chung vách với gia đình chị Nguyễn Thị Ba ngao ngán: “Hàng ngày tôi mua 3 bình nước đóng chai để uống và nấu thức ăn. Trước đây mỗi bình chỉ 11.000 đồng, bây giờ giá nước đóng bình tăng lên 16.000 đồng/bình. Tốn kém lắm nhưng đành phải chịu. Không biết bao giờ cảnh này mới chấm dứt đây?”.

Hàng chục ngàn hộ dân ở hạ du sông Ba như thị xã Ayun Pa và các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tình hình cũng không khá hơn. Sinh sống ở những nơi này phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Với tập quán sinh hoạt dựa vào tự nhiên, từ bao đời nay, nguồn nước sinh hoạt của đồng bào chủ yếu lấy trực tiếp từ sông Ba. Với tình trạng ô nhiễm như hiện nay, việc đồng bào bị ảnh hưởng sức khỏe do uống nước từ dòng sông là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để tìm những nguồn nước sạch như cách người dân thị xã An Khê đang dùng quả là điều không tưởng đối với đồng bào nghèo ở vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Anh Đinh Chẻo (dân tộc Ba Na) sống tại xã Kông Yang (huyện Kông Chro) cho biết: “Cả gia đình mình 9 người vẫn uống nước sông thôi, tiền đâu mà tìm nước sạch” – Nói rồi anh chỉ tay vào lu nước ở góc vườn với một lớp cặn đỏ bám đầy dưới đáy lu…

 Bao giờ có nước sạch ?

Chỉ sau một thời gian ngắn “được” các công ty, nhà máy đứng chân trên địa bàn Đông Gia Lai, như: Nhà máy Đường An Khê, Nhà máy Ván sợi ép MDF Gia Lai, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Ve Yu, Nhà máy Tuyển quặng Kbang… nắn dòng, xả thải, sông Ba đã trở thành con sông chết, kéo theo đó là cuộc sống của những con người ở đây cũng dần “chết” theo.

Ông Lê Đình Đương – Trưởng Ban Quản lý Nhà máy Nước An Khê cho biết: “Nhà máy Nước An Khê sử dụng nước sông Ba cung cấp nước sinh hoạt cho gần 2.700 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn nước này đang bị ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù vậy, nhà máy vẫn phải sử dụng nguồn nước này để cung cấp cho các hộ dân vì không còn nguồn nước nào khác. Tuy nhà máy phải tăng chi phí lên gấp đôi để mua vật tư lọc nước nhưng vẫn không thể lọc hết được bùn và tạp chất lẫn trong nước. Chúng tôi cũng không thu thêm bất kỳ một khoản tiền nào. Đáng ngại là thời gian qua, nhiều hộ dân đã chấm dứt hợp đồng sử dụng nước máy vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khó khăn cho hoạt động của nhà máy”. Cũng theo ông Đương, ngoài một số nguyên nhân khác, thì nước sông Ba đỏ như hiện nay là do lượng bùn non trong nước quá nhiều. Thủ phạm chính gây ô nhiễm nước sông Ba là Nhà máy Tuyển quặng Kbang thuộc Cty TNHH MTV Chế biến khoáng sản Kbang. Công ty này đã thường xuyên xả bùn xuống thượng lưu dòng sông Ba, khiến việc lọc nước cung cấp cho các hộ dân trong thị xã của Nhà máy Nước An Khê gặp nhiều khó khăn…

Nhiều tháng qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm, trả lại cho thiên nhiên dòng nước sạch nhưng tất cả vẫn như “ném đá ao bèo”. Ông Nguyễn Hùng Vỹ – Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê nói: “Nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân về nguồn nước sạch, chúng tôi đang trình UBND tỉnh phương án đầu tư nâng cấp công suất lọc nước của Nhà máy Nước An Khê. Theo đó, sẽ lấy nước trực tiếp từ lòng hồ Thủy điện An Khê – Ka Nak (đoạn đập tràn phường An Phước, thị xã An Khê) để cung cấp cho người dân”.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)