Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Thực hiện kinh tế hóa lĩnh vực tài nguyên nước

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), sau 12 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998 đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, có những bất cập trong quá trình thực hiện. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khắc phục được những tồn tại của Luật Tài nguyên nước năm 1998 và bổ sung thêm quy định mới cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Tại buổi làm việc với Cục Quản lý Tài nguyên nước về dự thảo lần thứ 2 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã chỉ đạo: Ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện Dự thảo Luật tài nguyên nước (TNN) (sửa đổi), trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Dự thảo Luật sửa đổi Luật TNN năm 1998 đang được xây dựng, nhằm bảo vệ TNN có hiệu quả; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được tốt hơn; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về TNN trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, một trong các nhóm vấn đề mới sửa đổi lần này là kinh tế hóa lĩnh vực tài nguyên nước đã thể hiện được cái “hồn” chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên – môi trường của Bộ TN&MT. Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, sử dụng các loại thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác phục vụ quản lý, bảo vệ có hiệu quả TNN.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Dự thảo lần 2 Luật TNN sửa đổi có 104 điều thể hiện trong 11 chương. Trong đó có 66 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 38 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật TNN năm 1998.

Theo đó, việc sửa đổi lần này tập trung vào 4 chủ trương lớn là: Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất thông qua việc miễn, giảm thuế tài nguyên, hỗ trợ vốn để nghiên cứu và xây dựng công trình; Xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước; Khuyến khích và huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư trong bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho điều tra cơ bản về tài nguyên nước, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo về tài nguyên nước, hệ thống thông tin dữ liệu.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện quy hoạch tài nguyên nước; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước. Ngoài ra, kinh tế hóa lĩnh vực tài nguyên nước bởi tuy là nguồn tài nguyên quý giá, thiết yếu đối với đời sống của con người và các hoạt động kinh tế – xã hội; nhưng đến nay, các nguồn thu ngân sách Nhà nước về tài nguyên này còn hạn chế.

17 vấn đề lớn đã được tập trung sửa đổi lần này. Đó là, vấn đề sở hữu TNN (đã đề cập sở hữu toàn dân và sở hữu của tổ chức, cá nhân); đối tượng quản lý TNN được mở rộng đến việc quản lý lòng sông, bờ sông; thiết lập công cụ kinh tế trong quản lý TNN trong đó quy định cụ thể nội dung nguồn phí, lệ phí; xem xét quyền cấp, khai thác sử dụng TNN; sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý TNN và tài nguyên thiên nhiên khác; xã hội hóa TNN và quyền sở hữu về nước, khai thác sử dụng TNN, cấp nước và sử dụng nước thải; điều hòa sử dụng, phân bổ TNN; vai trò của cộng đồng và tổ chức dân sự trong sử dụng nước ven sông, đối tượng thủy sinh; chế tài bảo đảm thi hành Luật đã quy định cụ thể các hành vi nghiêm cấm, các hành lang bảo vệ sông hồ, lưu vực sông…

 

 

(Theo Monre.gov.vn)