Ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng Ban Soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Trưởng Ban Soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có đầy đủ thành viên Ban soạn thảo.
Xem xét sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là Luật lớn và phức tạp nhất là trong tình hình hiện nay do sự phát triển kinh tế xã hội, lưu lượng nước từ nước ngoài chảy vào nước ta tương đối lớn (chiếm 2/3), ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động tới tài nguyên nước… Luật Tài nguyên nước 1998 đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ cố gắng tới mức tối đa để mang đậm hơi thở cuộc sống và có hiệu lực thi hành cao.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu chủ trì cuộc họp
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Luật Tài nguyên nước hiện hành cần được xem xét sửa đổi một cách toàn diện. Theo đó, có 17 vấn đề lớn sẽ được xem xét sửa đổi lần này. Đó là: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; sỡ hữu tài nguyên nước có sự phân biệt giữa nước trong tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân và nước của tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng; xem xét đầy đủ các đối tượng quản lý như hồ điều hòa, lòng sông, bờ sông, bãi bồi ven sông, vùng cửa sông, vùng đất ngập nước; đưa ra các công cụ kinh tế như đánh giá chi phí nước, so sánh hiệu quả sử dụng nước giữa các ngành kinh tế, quy định các chính sách thuế, phí về nước theo nguyên tắc “sử dụng nước phải trả tiền, gây ô nhiễm nước phải chi trả khắc phục, gây thiệt hại đối với nước phải đền bù”; làm rõ các nội dung về quản lý lưu vực sông, về quy hoạch lưu vực sông và tổ chức quản lý, điều phối hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông; chia sẻ tài nguyên nước; phòng, chống khắc phục hậu quả do nước gây ra; xã hội hóa phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước…
Dự thảo lần 2 Luật TNN sửa đổi có 104 điều thể hiện trong 11 Chương. Trong đó có 66 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 38 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật TNN năm 1998.
Dự thảo đã bỏ 3 chương của Luật TNN năm 1998, gồm: Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; khen thưởng và xử lý vi phạm. Đồng thời, điều chỉnh, kết cấu lại để bổ sung thêm 4 chương mới quy định về Chiến lược, Quy hoạch TNN; điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá TNN và thông tin, dữ liệu về TNN; Cấp phép về TNN và Tài chính về TNN.
Quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông?
Giáo sư Ngô Đình Tuấn (Trường ĐH Thủy lợi) cho rằng, quản lý lưu vực sông là nội dung quan trọng. Vì thế, trong Dự thảo Luật nên bổ sung thành một mục riêng. Sở hữu tài nguyên nước cũng là một vấn đề quan trọng cần đưa vào Luật.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Hồng Phấn (Trung tâm Tài nguyên và Môi trường) nhận xét, trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), vấn đề quản lý lưu vực sông còn mờ nhạt.
Trên thế giới hiện nay đã đề cập đến vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Theo đó, quản lý tài nguyên nước phải quản lý theo lưu vực sông và quy hoạch tài nguyên nước quốc gia phải dựa vào quy hoạch lưu vực sông. “Quản lý lưu vực sông là giải pháp chiến lược để quản lý tài nguyên nước”, bà Nguyễn Hồng Phấn nhấn mạnh. Nếu làm được điều này sẽ động chạm đến quyền lực của các cấp chính quyền địa phương. Do tài nguyên nước luôn luôn biến động nên muốn quản lý được thì cần thiết có đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trực tiếp tại địa bàn chứ không thể quản lý trên địa bàn như hiện nay. Bà Phấn kỳ vọng, khi quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông thì các vấn đề nước thải, ô nhiễm nước…sẽ được giải quyết một cách triệt để.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, Luật Tài nguyên nước cần có mối quan hệ nhất định với Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Đê điều.
Hiện nay trong Luật chưa có sự tham gia của cộng đồng cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên nước mà phần lớn quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Nên chăng trong Luật cần quy định thêm vấn đề này.
Về vấn đề quy hoạch tài nguyên nước, theo đại diện Bộ Xây dựng, nên rà soát lại các loại quy hoạch, nội dung quy hoạch, cơ quan thẩm định quy hoạch, hồ sơ quy hoạch, thời gian lập quy hoạch… để tránh trùng lắp và đem lại hiệu quả. Đối với việc quy định các loại giấy phép tài nguyên nước hiện nay cũng cần rõ ràng, tránh trùng lắp… để khi Luật ban hành không có sự mâu thuẫn, thuận tiện trong xử lý công việc.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị, Ban Soạn thảo cần rà soát lại các vấn đề kinh tế nước, tài chính nước… và quan điểm phải coi nước là hàng hóa. Ngoài ra, cần xem xét lại các vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tài nguyên nước, chất lượng nước, cấp phép tài nguyên nước. Đặc biệt, cần xem xét lại phần quy hoạch tài nguyên nước.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, Ban Soạn thảo cũng cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước với các Luật liên quan. Chẳng hạn, những nguyên tắc chất lượng nước sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, còn Luật Bảo vệ Môi trường sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn. Hay như mối quan hệ giữa nước và các loại khoáng sản thì Luật Tài nguyên nước sẽ quy định chung còn cụ thể sẽ được quy định ở Luật Khoáng sản nhưng cùng ràng buộc để bảo vệ chất lượng nước, số lượng nước, dòng chảy để bảo vệ khỏi xói lở lòng, bờ bãi sông.
Bộ trưởng chỉ đạo, Tổ Biên tập cần biên tập, sắp xếp lại các chương, điều cho phù hợp. Những tư tưởng, quan điểm lớn như vấn đề quản lý lưu vực sông, quy trình vận hành liên hồ chứa cần thiết phải đưa vào Luật. Ban Soạn thảo cũng cần tăng cường tổ chức các hội thảo tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp sử dụng nước, tổ chức phi Chính phủ và chuyên gia nước ngoài.
(Theo Monre.gov.vn)