Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Tài nguyên nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

 

Hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có quy mô 241 MW với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, giá bán điện dự kiến là 4,5 cent/kW, sau 17 năm vận hành sẽ hoàn vốn, là một đề án kinh tế khá hấp dẫn. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo lắng nhất chính là hậu quả của nó khi đi vào vận hành, đặc biệt là tác động đến vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên).
 
Thủy điện lấp đầy lưu vực sông
Lưu vực sông Đồng Nai với tiềm năng thủy điện rất lớn, chỉ đứng thứ hai ở Việt Nam (sau sông Đà với công suất 2.850 MW và điện lượng bình quân khoảng 11,5 tỷ kWh/năm). Hiện nay, các nhà máy thủy điện và các dự án thủy điện trên ba lưu vực sông Đồng Nai, sông Bé và sông La Ngà gần như lấp đầy.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công nghiệp, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 bậc thang trên sông Đồng Nai với 15 công trình thủy điện. Trong đó, các công trình thủy điện lớn đang hoạt động gồm Đa Nhim – 160 MW, Trị An – 400 MW. Ngoài ra, một loạt công trình đang xây dựng hoặc trong giai đoạn lập dự án đầu tư, như Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5…, Đắk Tih – La Ngâu. Riêng trên nhánh sông chính Đồng Nai đã có 9 đập thủy điện đã, đang và sẽ hoạt động gồm Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai (2, 3, 4, 5, 6, 6A) và Thủy điện Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận không triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 8 vì tác động lớn đến dân sinh, gây ngập lụt Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo quy hoạch dự án Thủy điện Đồng Nai 8 sẽ làm ngập 10 ngàn hécta đất và rừng; trên 50 ngàn dân phải di dời. Đồng thời tỉnh Đồng Nai cũng nghiên cứu khả năng thực hiện các dự án thủy điện bậc thang Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định với tổng công suất 164 MW thay thế cho dự án Thủy điện Đồng Nai 8. Hiện các dự án này đang được điều chỉnh quy hoạch với yêu cầu là tác động không nhiều đến môi trường, Vườn Quốc gia Cát Tiên và cả việc di dân… Cạnh đó, dự án Thủy điện Đồng Nai 7 và Đạ Kho nằm ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng và một phần xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) có tác động xấu đến rừng Cát Tiên và khu đất ngập nước Ramsar – Bàu Sấu nên tỉnh không đồng ý bổ sung hai dự án này vào quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai…
Hiện nay 2 Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang bị dư luận phản ứng gay gắt. Theo tính toán, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập gần 171ha đất rừng, trong đó có 87ha đất rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. Thủy điện Đồng Nai 6A nằm trong vùng lõi VQG Cát Tiên sẽ làm ngập hơn 110ha đất rừng, trong đó trên 50ha đất rừng thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Tính chung, hai Dự án này sẽ làm mất 137,5ha đất rừng của VQG Cát Tiên và làm ngập 281ha đất rừng tính chung trong khu vực. Theo kết quả khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện trên cho biết, khu vực xây hai thủy điện là khu vực sinh cảnh rừng nguyên sinh đặc trưng của VQG Cát Tiên. Trong khu vực này có rất nhiều loại cây gỗ quý có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại VN như cẩm lai, trắc, mun, gõ mật, sao đen, dầu, kơ nia… và nhiều loài động, thực vật đặc hữu đặc trưng khác.
 
Hệ lụy với môi trường
Lo ngại nhất đối với việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh đồng thời diện tích rừng bị thu hẹp nên khả năng giữ nước kém, đất đai bị sói mòn, sạt lở,…
Chất lượng nước tại các đập về hạ lưu là vấn đề đáng được quan tâm. Điều tiết nước tăng thì đẩy về hạ lưu sẽ rửa ô nhiễm tốt hơn, tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm khá nhiều tại các đập nước thủy điện, đặc biệt là tảo sinh chất độc tại Thủy điện Trị An là một ví dụ. Hàng loạt công trình thủy điện từ lớn đến nhỏ nếu được xây dựng trên cùng một lưu vực hay một dòng sông, nhưng chưa được đánh giá tác động mang tính hệ thống, trên phạm vi toàn lưu vực, đặc biệt là việc điều tiết nước để cấp nước trong mùa cạn ngập mặn lấn sâu vào hạ lưu và phòng, chống lũ cho hạ du trong mùa lũ.
Việc phát triển thủy điện ồ ạt, tràn lan dẫn đến nguy cơ đe dọa môi trường sinh thái, nhất là tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do thiếu mưa (do biến đổi khí hậu) và việc tích nước của các dự án thủy điện khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai. Nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết, tư duy về thủy điện. Thực tế khoa học chứng minh rằng, trên cùng một dòng sông chỉ làm một hồ thủy điện thì điện sẽ phát quanh năm, làm hai hồ thủy điện thì thời gian phát điện ngắn lại vài tháng tức thời gian phát điện tỉ lệ nghịch với số nhà máy thủy điện xây trên một dòng sông!. Một sự thật đã diễn ra trước mắt ta là con sông Đồng Nai đang gồng mình gánh quá nhiều nhà máy thủy điện.
Đợt khảo sát về tác động môi trường của các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010 cho thấy, hàng loạt nhà máy điện phải ngưng hoạt động do thiếu nước. Cụ thể, hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối sông Đồng Nai không tích đủ nước để vận hành nhà máy điện; ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thì Thủy điện Đồng Nai 2 cũng đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị việc khởi động các tổ máy. Thủy điện Đồng Nai 3 cũng đang tích nước nhưng lượng nước về hồ vẫn rất ít, không thể vận hành được các tổ máy phát điện. Lý do thiếu nước khiến nhiều nhà máy thủy điện phải “nghỉ ngơi” hoặc hoạt động cầm chừng là do các thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai như Đại Ninh, Đồng Nai 2… đang tích nước để phát điện.
 
 
ThS. Hoàng Văn Thống
(Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai)