Quá trình đô thị hóa đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước, cấp nước, vệ sinh, hệ sinh thái và môi trường trong đó mối quan hệ giữa nguồn nước và đô thị là rất mật thiết. Các đô thị với nhu cầu không gian, nhu cầu nước, lương thực cũng như lượng sản sinh nước thải, chất thải rất lớn của mình đang tạo ra những sức ép ngày càng gia tăng tới hệ thống các nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh. Các hệ lụy và tác động qua lại này không chỉ giới hạn trong phạm vi đô thị mà bao trùm cả vùng nông thôn liền kề, đặc biệt là không gian chuyển tiếp giữa hai vùng – hay mối giao thoa giữa đô thị và nông thôn. Các vấn đề này trở nên trầm trọng hơn ở những đô thị có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Quá trình đô thị hóa sẽ không thể bền vững nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó với các thách thức này.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, quản lý nước và TNN trong bối cảnh đô thị hóa, có 9 thách thức chính sau đây.
Khai thác quá mức nguồn nước:
Tốc độ đô thị hóa cao luôn đi kèm với nhu cầu ngày càng gia tăng về nước và các dịch vụ vệ sinh. Để đáp ứng các nhu cầu này, đô thị ngày càng “vươn” tới những nguồn nước “sâu” hơn và “xa” hơn, gây ra tình trạng khai thác quá mức – thậm chí cạn kiệt – các nguồn nước tại chỗ cũng như các vùng liền kề.
Ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh
Cùng với sự gia tăng nhu cầu nước và vệ sinh, các đô thị cũng sản sinh những lượng lớn nước thải, chất thải mỗi ngày. Trên thế giới, cứ mỗi ngày có khoảng 2 triệu tấn chất thải của con người được xả vào các nguồn nước. Ở nhiều đô thị (đặc biệt là tại các nước đang phát triển) việc thiếu các hệ thống xử lý chất thải, nước thải và thoát nước đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước (cả nước mặt và nước dưới đất) và hệ sinh thái thủy sinh liên quan.
Nghèo đói và sinh kế
Những người dân nghèo ở thành thị chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của quá trình đô thị hóa. 828 triệu người hiện đang phải sống trong các khu ổ chuột rải rác khắp các đô thị trên thế giới. Họ thường không được sử dụng nước từ các hệ thống cấp nước tập trung mà lệ thuộc vào các nguồn cung cấp nước khác, thông thường với giá đắt đỏ hơn gấp nhiều lần. Suy thoái nguồn nước, môi trường và hệ sinh thái cũng đặt sinh kế của nhóm bên lề này trước rủi ro.
Sức khỏe và bệnh tật
Thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm nguồn nước, môi trường và hệ sinh thái thủy sinh dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với cộng đồng nghèo ở đô thị – nhóm người thường phải sử dụng các nguồn nước “mở”, kém an toàn. Những căn bệnh như tả, tiêu chảy, và sốt rét trước đây vẫn thường được coi là những căn bệnh của vùng nông thôn thì hiện đã trở thành một phần của mô hình dịch bệnh của đô thị.
Lũ lụt và hạn hán
Lũ lụt chiếm một nửa số vụ thiên tai trên toàn thế giới và 84% các thảm họa tử vong. Lũ lụt có thể gây ô nhiễm nguồn nước cấp và khi xảy ra tại các đô thị có dịch vụ nước và vệ sinh kém sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tật gia tăng. Trên thế giới có nhiều đô thị nằm ven biển, dễ bị tổn thương trước nguy cơ lũ lụt. Ở châu Á, hơn 1 tỷ người sống cách biển trong vòng bán kính 100 km.
Sau lũ lụt, hạn hán là mối đe dọa lớn thứ hai trên thế giới. Hạn hán có thể gây ra thiệt hại vật chất trước mắt nhỏ hơn so với động đất, bão, lụt do vậy việc giảm thiểu rủi ro thường ít được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, hạn hán lại có tác động lâu dài hơn, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và anh ninh nước.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt được dự báo là sẽ trở nên thường xuyên và cực đoan hơn.
Khan hiếm nước
Khan hiếm nước là hiện tượng xảy ra có thể do yếu tố tự nhiên hoặc con người. Hiện tượng này có thể trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn do hậu quả của việc khai thác nước ở thượng nguồn (đặc biệt với các sông và tầng chứa nước xuyên biên giới). Sự khan hiếm cũng có thể do phát triển kinh tế xã hội và hành vi sử dụng của con người hoặc hậu quả của sự thay đổi mô hình cấp nước. Lượng cung cấp hàng năm dưới 1,700 m3/người được xem là bắt đầu có tình trạng căng thẳng về nước. Hiện có khoảng 1/5 dân số thế giới (tương đương 1.2 tỷ người) đang phải sống trong các khu vực khan hiếm nước. Dự kiến như cầu sử dụng nước đô thị sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Biến đổi khí hậu được dự báo cũng sẽ làm cho tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng hơn ở nhiều nơi.
Biến đổi khí hậu
BĐKH đã và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến TNN và công tác QLTNN ở nhiều khu vực. BĐKH có thể tác động nghiêm trọng đến các khu vực đô thị, như gia tăng nguy cơ lũ lụt, suy thoái nguồn cấp nước và nhập cư vào đô thị từ các vùng ven biển. Dự đoán sự gia tăng nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố, tần suất và lượng mưa, tuyết tan, dòng chảy sông ngòi và nước dưới đất, cũng như suy thoái chất lượng nước.
Rò rỉ và thất thoát nước
Ở các nước đang phát triển, hệ thống hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu và hệ thống quản lý thiếu hiệu quả dẫn đến tỷ lệ rò rỉ và thất thoát nước khá lớn. Tỷ lệ tới 50% không phải là hiếm ở các hệ thống cấp nước đô thị. Ước tính mỗi năm có khoảng 250 đến 500 triệu m³ nước sạch bị thất thoát ở các siêu đô thị trên thế giới mà nếu tiết kiệm được thì có thể đủ cung cấp nước sạch cho thêm 10 đến 20 triệu người.
Mối giao thoa giữa đô thị và nông thôn
Trong quá trình đô thị hóa, tại không gian chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn, xảy ra tình trạng cạnh tranh và mâu thuẫn về tài nguyên (đặc biệt là các nguồn nước) giữa các chủ thể (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, sinh hoạt…). Thêm vào đó, không gian chuyển tiếp này cũng có thể phải trở thành “sân sau” để tiếp nhận chất thải đô thị, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Những tác động tiêu cực này sẽ dội ngược trở lại khu vực đô thị trên phương diện nguồn cung cấp nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm… Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ đô thị hóa cũng tác động tới sinh kế của vùng nông thôn và thúc đẩy tình trạng di dân. Như vậy, mối tương tác giữa nông thôn và thành thị có thể làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng nghèo sống ở cả 2 khu vực này. Do đó, để đạt được sự phát triển hài hòa trên toàn khu vực, cần bảo toàn hệ sinh thái và sinh kế ở cả khu vực nông thôn – thành thị và quản lý bền vững tài nguyên (bao gồm TNN), chất thải và môi trường ở cả 2 khu vực này.
(Theo Monre.gov.vn)