Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia lần 2 về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 4/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Diễn đàn quốc gia là hoạt động quan trọng trong xây dựng, phát triển các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô quốc gia. Đồng thời, Diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ thông tin, liên kết cùng hành đồng một cách thiết thực.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, bà Loren Legarda – Đại sứ của Cơ quan chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp Quốc, bà Setsuko Yamazaki – Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và đại diện Đại sứ quán Australia đã chủ trì phiên khai mạc.
* Thiên tai ngày càng khốc liệt
Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, năm 2010, thiên tai xảy ra trên khắp thế giới mà hậu quả do chúng gây ra đã trở thành gánh nặng cho sự phát triển đối với các quốc gia. Nhiều trận thiên tai đã gây nên các cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội như núi lửa phun ở Iceland, Indonesia, động đất ở Haiti, Chile, Trung Quốc, cháy rừng ở Nga, lũ lụt tại Pakistan, hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong và gần đây nhất, đầu năm 2011 là trận động đất tại New Zealand.
Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu với nhiều loại hình khác nhau. 6 cơn bão trên biển Đông, 4 đợt lũ lớn lịch sử tại miền Trung, nắng nóng, hạn hán, rét đậm kéo dài đã làm chết và mất tích 362 người, 490 người bị thương, 6.000 ngôi nhà bị phá hủy, gần 500.000 ngôi nhà và 300.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng
* Đổi mới chính sách, thể chế trong bối cảnh giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Diễn đàn này chính là mô hình trao đổi quan trọng về xây dựng thể chế, chính sách. Những chính sách này phải có tầm nhìn dài hạn, thống nhất, liên ngành và liên vùng.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ngoài những tác động vật lý, biến đổi khí hậu khí hậu còn có những tác động “mềm”. Đó là sự thay đổi và hình thành các thể chế, cơ chế và chính sách mới liên quan đến kinh tế và thương mại mại toàn cầu. Trong tương lai, sẽ xuất hiện những quy định mới, các luật chơi, các rào cản kinh tế, thương mại mới như thuế carbon, trợ giá cho công nghệ xanh… Do đó, ngoài việc tăng cường khả năng thích ứng với những thay đổi của hệ thống khí hậu, chúng ta cần chuẩn bị và sẵn sàng về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, phù hợp với những thay đổi này.
Bà Loren Legarda, Thượng nghị sĩ Philippines cho biết, Phillipines, nơi đón bão và liên tiếp hứng chịu thiên tai, đã nhanh chóng xây dựng hai bộ Luật: Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu rủi ro – quản lý thiên tai. Đây là bước ngoặt, hình thành nên một hành lang pháp lý mạnh và thống nhất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đang phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn chỉnh nội dung, cơ cấu, cơ chế thành lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu.
* Ưu tiên các dự án không thể trì hoãn
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đưa đến những vấn đề giảm nhẹ thiên tai lồng ghép trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đó là, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất, là vấn đề sống còn đối với Việt Nam. Biến đổi khí hậu là quá trình diễn ra lâu dài, nhưng tác động, làm cho thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng như lũ lụt ở miền Trung, triều cường ở các vùng đô thị phía Nam, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc. Vì vậy, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, hệ thống, liên tục, lâu dài, liên ngành, liên vùng, nhưng phải căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm. “Bên cạnh việc thích ứng với những tác động từ từ của biến đổi khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ trung bình, mực nước nước biển dâng trung bình, cần ưu tiên triển khai thực hiện ngay các dự án cấp bách, các dự án không thể trì hoãn”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói. Đó là các dự án nâng cấp đê biển, kết hợp với đường giao thông bảo vệ các khu đô thị, các khu dân cư; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai: áp thấp nhiệt đới,bão, lũ, hạn hán, động đất, sóng thần, đặc biệt cho các vùng rất nhạy cảm như miền Trung, 2 vựa lúa chính của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng.
“Bộ TN&MT sẽ nỗ lực cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hoá, góp phần bảo đảm phát triển bền vững của đất nước”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.