Di tích thắng cảnh Quốc gia ở Đắk Lắk: Nơi bị xóa sổ, nơi bỏ hoang

tt934Ở Đắk Lắk, nhiều thắng cảnh, di tích cấp quốc gia đã bị xóa sổ hoặc bỏ hoang, xuống cấp do sự tắc trách của con người.
 
* Xóa sổ thác Thanh Nữ
Thác Thanh Nữ (người dân địa phương thường gọi là thác Buôn Cháy) nằm trên suối Ea Reh thuộc địa phận hai xã Cư M’gar và Ea M’roh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Ngọn thác tuyệt đẹp này được công nhận là thắng cảnh du lịch văn hóa quốc gia từ năm 2005.
Thác Thanh Nữ cao hơn 15m, được chia làm 3 tầng. Trước đây khi rừng nguyên sinh còn được bảo vệ tốt, dòng suối Ea Reh luôn dồi dào, về mùa khô dòng nước trong xanh của con suối dội từ độ cao hơn 15m xuống phía dưới tung bọt trắng xóa tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn. Lúc chiều tà, ánh nắng mặt trời chiếu vào đám bụi nước tạo thành cầu vồng vắt ngang qua lưng chừng thác. Dưới chân thác là những bãi đá nhấp nhô cùng chững hồ nước nhỏ trong xanh với bãi cát trắng tinh tạo thành những hồ tắm lý tưởng. Nhìn từ xa, thác Thanh Nữ như chiếc váy vũ hội làm bằng nước của nàng tiên đang từ trên trời đáp xuống hạ giới.
Sau khi được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia, huyện Cư M’gar cũng đã tổ chức hội thảo bàn về thu hút vốn đầu tư, với hi vọng biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn có thể đem lại cả tiếng tăm lẫn tiền bạc cho địa phương. Tuy nhiên, ý tưởng đẹp đẽ đó nay đã trở thành chuyện không tưởng. Bởi quang cảnh tuyệt đẹp trước đây của ngọn thác này đã không còn, thắng cảnh này gần như bị xóa sổ. Vị trí trước đây là con thác hùng vỹ thì nay về mùa khô chỉ còn trơ ra những tảng đá khổng lồ, còn về mùa mưa thì dòng nước đục ngầu chảy như một cơn lũ quét.
Nguyên nhân là những cánh rừng nguyên sinh ở phía thượng lưu và ở hai bên bờ suối cũng như ở khu vực hạ lưu của ngọn thác này trước đây xanh tốt, tạo nên hệ sinh thái phong phú để hình thành danh thắng cấp quốc gai này, nay đã bị người dân “cạo” sạch sẽ, biến thành nương ngô rẫy sắn. Cũng cần nói thêm rằng, Ea Mroh đang là một trong những xã phá rừng thuộc dạng “vô địch thiên hạ” ở Đắk Lắk, với gần 1.000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn đã bị xóa sổ, trong đó gần 700 ha đã bị chính chủ rừng (rừng giao khoán cho các hộ dân) “trảm” sạch.
Như vậy, chỉ sau gần 6 năm được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, thác Thanh nữ đã bị xóa sổ.
 
* Thủy Tiên – thác đẹp bị lãng quên
Thác Thủy Tiên nằm trên con suối Ea Puk, thuộc địa bàn xã Tam Giang, huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Tên gọi theo tiếng Ê Đê của ngọn thác tuyệt đẹp này là Ea Buk, có nghĩa là suối tóc. Thác được tạo thành bởi 7 bậc đá chồng lên nhau, chia thành ba tầng chính. Dòng nước trong vắt của suối Ea Puk từ độ cao gần 20m đổ qua các bậc đá, tung bọt trắng xóa tạo nên một quang cảnh kỳ vỹ. Ở tầng thứ 2, dòng thác được trải rộng ra với nhiều bậc đá nhô lên che chắn dòng nước tạo thành những hồ nước nhỏ trong vắt cho du khác ngâm mình trong làn nước mát lạnh. Cũng ở tầng thứ 2 này, cầu vồng luôn hiện hữu do ánh nắng mặt trời hắt vào đám bụi nước ly ti tạo nên. Phía dưới chân thác là những bãi đá với những phiến đá bằng phẳng nhô lên khỏi mặt nước, phía trên được che mát bởi những tầng lá của cây cổ thu sẽ là điểm nghỉ ngơi lý tưởng của cho du khách. Nhìn từ xa, thác Thủy Tiên giống như suối tóc của cô tiên nữ đang hong tóc khẽ đu đưa dưới làn gió nhẹ.
Năm 2009, thác Thủy Tiên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh quốc gia. Với vị trí chỉ cách trung tâm huyện khoảng 12km, những tưởng sau sự kiện này, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư để khai thác tiềm năng, phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn viếc làm cho người dân địa phương… Tuy nhiên sau hơn 2 năm được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia, thác Thủy Tiên vẫn đang là “nàng công chúa ngủ trong rừng” chưa có ai muốn đánh thức. Hiện nay con đường từ xã Tam Giang đến thác Thủy Tiên dài khoảng 6km đã bị xuống cấp trầm trọng, chỉ có loại xe ô tô địa hình mới mong có thể vượt qua. Còn tại khu quy họach trong bán kính của danh thắng cấp quocó gia này hiện vẫn chỉ là một vùng hoang vu. ở đây chưa hề hiện hữu một dịch vụ du lịch nào. Để đến chân thác, những du khách “bất đắc dĩ” như chúng tôi phải luồn qua một bãi lau, sậy cao lút đầu người.
Điều đáng lo ngại hơn là hiện nay tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất ở khu vực này đang diễn ra rầm rộ. Vì vậy nếu các cơ quan chức năng không có phương án bảo vệ, đầu tư thì không lâu nữa khi rừng phòng hộ đầu nguòn và khu rừng sinh thái ở dưới chân thác bị tàn phá thì nguy cơ thác Thủy Tiên trở thành ngọn thác chết là rất cao, giống như đối với thác Thanh Nữ.
 
* Nhiều di tích thắng cảnh khác đang “ngắc ngoải”
Không chỉ có 2 danh thắng kể trên bị khai tử, bỏ hoang, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện đang có rất nhiều di tích, thắng cảnh cấp quốc gia đang bị xuống cấp, không được khai thác tiềm năng. Điển hình như Di tich quốc gia tháp Chăm Yang Prong. Năm 1991, tháp đã được công nhận là di tích văn hoá – lịch sử cấp quốc gia. Đây là ngọn tháp chăm duy nhất còn khá nguyên vẹn ở Tây Nguyên, có giá trị nhiều mặt cho nghiên cứu về xã hội, dân tộc, lịch sử… và có tiềm năng lớn về du lịch. Tuy nhiên sau 2 lần trùng tu, tôn tạo, ngọn tháp độc đáo, kỳ bí này lại đang mang dáng dấp kiểu “tân cổ giao duyên”. Cụ thể như, người ta sử dụng những viên gạch mộc được làm đại trà tại địa phương ghép vào những chổ bị sạt lở, sau đó dùng vữa xi măng trát vào một cách thô vụng, giống như trát trần lô cốt… Ở thân tháp, người ta dùng 2 chiếc gông bằng sắt to tướng ràng lại để phòng bị vỡ. Quản lý không bài bản khiến hiện nay ngọn tháp này giống như một cái miếu thờ ở một làng đồng bằng bắc bộ với sự hiện hữu của hàng trăm bát hương được đặt khắp nơi. Hiện rừng ở đây may mắn còn tồn tại khá dày đặc do quan niệm “rừng thiêng”. Nhiều người cho rằng: trùng tu, tôn tạo và khai thác, quản lý kiểu như vậy chẳng khác gì đang “xóa sổ” công trình độc đáo này.
Khu du lịch văn hóa sinh thái Đray Sáp – Đray Nur cũng đang trong tình trạng bị xâm hại nặng nề. Việc rừng phòng hộ và rừng cảnh quan sinh thái ở đây bị tàn phá, cùng với việc xây dựng hệ thống công trình thủy điện trên dòng Sêrêpôk đã khiến cảnh quan, môi trường ở đây suy giảm, biến đổi rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư sau một thời gian triển khai các dự án du lịch ở đây nhưng cuối cùng phải rút lui vì hệ sinh thái cũng như cảnh quan bị biến dạng do tác động của con người. Hồ Lắk – hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước cũng đang có nguy cơ bị lấp cạn vì rừng phòng hộ bị phá trắng. Và nữa, sắp tới đây, khi Nhà máy Thủy diện Sêrêpốk 4A được xây dựng sẽ làm cho khoảng 20km sông Sêrêpốk cạn nước vào mùa khô (do nhà máy này đào kênh dẫn dòng nước đi nơi khác). Điều này sẽ khiến cho các ngọn thác, thác cảnh đang được một số doanh nghiệp khai thác làm du lịch trên đoạn sông này như thác Bảy Nhánh, rừng si cổ thụ… có nguy cơ bị xóa sổ. Quả đúng là “lợi bất cập hại”.
 
 
 (Theo Monre.gov.vn)