Đến 2020 – Không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ?

 Liệu mục tiêu này có khả thi không khi quãng đường xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64/CP 9 năm qua có quá nhiều gian nan?

 

Tại một cuộc họp mới đây có đại diện nhiều Bộ, ngành thuộc Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 64, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng đùa mà thật rằng “9 năm xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bằng một Điện Biên, là quá dài, không ổn. Mặc dù đã xử lý được nhiều, nhưng cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng mới phát sinh không ít…”.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, mới có 367/439 tổng số cơ sở phải xử lý triệt để ô nhiễm giai đoạn 1 của Quyết định 64, đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đạt 83,6%).

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, đánh giá lại mức độ gây ô nhiễm đối với 3.865 cơ sở gây ô nhiễm môi trường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê năm 2000 và các cơ sở mới phát sinh từ năm 2007, đến nay chỉ còn 376 cơ sở đang phải tiến hành các biện pháp gây ô nhiễm triệt để. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 1.396/1.402 cơ sở gây ô nhiễm phải di dời theo kế hoạch. Đây là một nỗ lực rất lớn của các địa phương, Bộ, Ngành. Nhưng vẫn còn 3 tỉnh là Đắk Nông, Hà Nam và Hưng Yên chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Như vậy, tổng số các cơ sở vẫn đang trong quá trình triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để hiện còn 448.

Từ năm 2006 tới nay, tổng kinh phí đầu tư cho xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng là 4.831,270 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 397 dự án với tổng kinh phí 2.316,618 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, có 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh tự đầu tư 1.864,338 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm. Đặc biệt đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích, từ năm 2006 tới nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ cho 229 dự án, với tổng kinh phí 1.294,063 tỷ đồng, chủ yếu trong kế hoạch ngân sách năm 2011 – 2012.

 

 vv128

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh thừa nhận, mặc dù Nhà nước đã có nhiều cố gắng tăng nguồn lực tài chính hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng vẫn “chưa đủ mạnh, chưa đủ tầm”. Dẫu vậy, Thứ trưởng Minh đặc biệt lưu ý rằng “ chúng ta đang sống trên ô nhiễm, không biết lúc nào nó sẽ bục ra” nên Ban chỉ đạo liên ngành phải có những biện pháp quyết liệt hơn. “Các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành 64 có thể kết hợp cùng đoàn thanh tra chuyên đề của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc tổ chức thanh tra độc lập tới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để giám sát tại chỗ, tăng hiệu quả thanh tra, xử lý các cơ sở, địa phương chậm xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng”, bà Minh nói.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý triệt để các cơ sở chậm là do các địa phương chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có tư tưởng xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, thậm chí nương nhẹ trong việc xử lý. Năm 2010, các địa phương như Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị, đã không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do các đoàn thành tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập biên bản xử phạt.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm còn hạn chế. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa triển khai việc tổ chức, đánh giá công nghệ phù hợp đối với việc xử lý các chất thải gây ô nhiễm, vì thế còn nhiều cơ sở lúng túng trong việc tìm kiếm công nghệ. Thậm chí , một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường đã ban hành, nhưng triển khai chậm. Nghị định 04/2009 về hỗ trợ, ưu đãi hoạt động bảo vệ môi trường , đến nay vẫn còn một số nội dung chưa được thực hiện.

Theo Tổng cục Môi trường, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, cần đưa chỉ tiêu “giảm tỷ lệ phát sinh các cơ sơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đánh giá chất lượng của sự phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành, địa phương. Đưa nội dung xử lý dứt điểm các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 vào Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường (hiện mới có 2/15 làng nghề thuộc 64 xử lý triệt để ô nhiễm).

Đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép ghi nguồn vốn riêng từ nguồn đầu tư phát triển để hỗ tợ công tác xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định 58/2008 và Quyết định 38/211 cho các đối tượng chưa được đưa vào nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)