Tại Cà Mau, theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh, tình trạng sạt lở ven sông, ven biển đang diễn biến xấu. Theo thống kê mỗi năm, sạt lở đã làm Cà Mau mất đi khoảng 900 ha, trong đó hơn 120 ha là đất ven biển, còn lại là đất ven sông.
Đặc biệt, toàn tuyến bờ biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 93 km, trong đó 6,4 km đang bị sạt lở nghiêm trọng, cần được đầu tư nâng cấp trong trước mùa mưa bão năm nay. Tuyến bờ biển Tây ở tỉnh Cà Mau, trước đây là rừng phòng hộ ngoài đê, nơi có diện tích nhỏ nhất 200 m, nhưng hiện nay do xói lở còn chưa đầy 80 m, có đoạn bị lở rất sâu chỉ còn 30 m.
Nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng tại Cà Mau là do biến đổi khí hậu, dòng chảy, thủy triều thi công đào bới bờ kênh không đúng quy trình kỹ thuật…
Tại Bạc Liêu, sau Tết Nguyên đán đến nay, mực nước biển liên tục dâng cao bất thường uy hiếp cả Khu du lịch Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Nước biển còn xâm thực bờ biển, gây xói lở và cuốn trôi nhiều đoạn đê kè. Hàng chục căn nhà của người dân sinh sống ven đê, kể cả các đơn vị như Đồn Biên phòng 664, Hải đội 2… khi nước biển dâng cũng bị cô lập hoàn toàn. Nước mặn xâm thực qua đê, qua các tuyến đường còn gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất hoa màu, nuôi tôm của một số hộ dân.
Ông Lê Thanh Tòng, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong thời gian gần đây trên địa bàn xảy ra hiện tượng nước biển dâng cao bất thường, đặc biệt xuất hiện các cơn mưa trái mùa với lượng mưa khá lớn hay mùa khô kéo dài, do biến đổi khí hậu gây ra.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác trong vùng. Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, hiện tỉnh Ðồng Tháp có gần 100 điểm ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, trên địa bàn cũng có khoảng 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 8 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thì trên địa bàn hiện nay có 55 điểm sạt lở, trong đó có 15 điểm đặc biệt nguy hiểm.
Khắc phục hậu quả
Trước tình hình trên, các địa phương trong vùng đã tiến hành nhiều biện pháp, cả cấp bách, cả lâu dài để khắc phục hậu quả.
Tại Cần Thơ, sau khi sự cố ngày 9/5 xảy ra, ngành chức năng đã phối hợp cùng địa phương khảo sát, lập danh sách những cửa hàng, nhà dân có nguy cơ bị sạt lở để hỗ trợ, di dời. Chính quyền địa phương nhanh chóng sắp xếp, bố trí địa điểm để bà con khi di dời có nơi buôn bán thích hợp trong thời gian chờ khắc phục.
Chiều 10/5, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo các ngành chức năng thành phố và lãnh đạo các quận, huyện chỉ đạo cùng các xã phường khẩn trương tiến hành kiểm tra, giám sát nhất là các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến sông chính, các kênh rạch dòng chảy mạnh có nguy cơ sạt lở cao, lập tức cho di dời nhân dân đến nơi an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cũng cho biết, thành phố đang triển khai đề án Quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông rạch. Các địa phương đã cắm mốc những vị trí, địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo cho người dân; lên phương án di dời các hộ dân… Dự kiến đến năm 2015, khoảng 40% số hộ dân ven sông sẽ có chỗ ở ổn định ở những khu đô thị mới.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cà Mau triển khai dự án xây dựng công trình kè ngầm chắn sóng tạo bãi tại đê biển Tây, bên trong đê bơm đất để trồng rừng, chủ yếu là trồng cây mắm. Bước đầu, tỉnh thi công thí điểm 300m đê trong số 6,4 km đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn giải tỏa các hộ dân cất nhà trái phép trên rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ đê biển, cắm mốc chỉ giới cho dân biết nhằm giảm áp lực chặt phá cây rừng và bảo vệ toàn cho cư dân trong mùa mưa bão.
Bên cạnh việc kiến nghị Trung ương đầu tư vốn để xây dựng các công trình bờ kè, đê bao chống sạt lở, tỉnh Cà Mau sẽ kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhanh các công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước nhằm sớm tìm ra những giải pháp tối ưu để bảo vệ và chống sạt lở đất ven sông, ven biển.
Các địa phương khác cũng có kế hoạch của riêng mình nhằm phòng chống sạt lở như tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Hậu Giang đã hoàn chỉnh các danh mục đầu tư cho các dự án phòng, chống sạt lở trên địa bàn…
Ngày 4/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
Quy chế phân loại mức độ sạt lở, thứ tự ưu tiên, trình tự, biện pháp xử lý, lập và phê duyệt dự án, trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố và của các Bộ, ngành liên quan để xử lý sạt lở, trừ bờ sông, suối biên giới theo Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 31/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. |