Dân số Việt Nam quá đông tạo nhiều sức ép xã hội

tt945Với gần 260 người trên một km2 đất, mật độ dân số Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc và gấp gần 6 lần trung bình thế giới. Điều này gây sức ép lên kinh tế, xã hội và khiến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.

Trong con số 7 tỷ người trên thế giới, Việt Nam cũng đóng góp một con số không nhỏ: hơn 87 triệu người, đứng hàng thứ 13 về số nước đông dân nhất thế giới.

Theo thống kê từ Quỹ dân số Liên hiệp quốc, với tốc độ tăng dân số hiện tại, mỗi năm dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 78 triệu người. Mức tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và tạo ra những áp lực ngày càng lớn cho hành tinh.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, dân số Việt Nam tiếp tục tăng bình quân mỗi năm khoảng 90 vạn người, với mật độ cao (259 người trên một km2), gấp 2 lần mật độ dân số của châu Á, cao hơn mật độ dân số Trung Quốc, gấp gần 6 lần mật độ trung bình trên thế giới.

Đi cùng với điều này là diện tích đất canh tác bình quân đầu người tại Việt Nam ngày càng thu hẹp, còn dưới 0,1 ha cho mỗi người, chỉ bằng 2/5 mức diện tích canh tác tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực theo tiêu chuẩn của Tổ chức lương thực thế giới.

Theo tiến sĩ Trần Văn Chiến, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số thì rõ ràng Việt Nam là nước đất chật, người đông với tổng số dân và mật độ ở mức cao báo động so với tài nguyên đang có. Cộng với việc sử dụng môi trường chưa hợp lý như hiện nay, tài nguyên đất, nước, không khí… của Việt Nam đang có nguy cơ bị tàn phá, cạn kiệt.

“Dân số gắn với môi trường, trong đó có kinh tế, xã hội và thiên nhiên. Sinh càng nhiều, càng nhanh thì tài nguyên càng bị thu hẹp và con người càng phải đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam ta không nằm ngoài quy luật đó”, ông nói.

Ông dẫn chứng, việc mật độ dân số quá đông ở các đô thị đang tạo sức ép lên tất cả các lĩnh vực như giao thông, y tế, trường học, môi trường… và thực tế, tất cả các mặt này đều đã quá tải.

“Hà Nội trước thời Pháp thuộc chỉ có khoảng 400.000 người, trong khi hiện nay con số này đã tăng lên 6 triệu, thậm chí cao hơn nữa vào các dịp cần nhiều lao động thời vụ, trong khi hạ tầng cơ sở, giao thông không thay đổi bao nhiêu… nên chuyện này không có gì khó hiểu”, ông giải thích.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, mức tăng dân số bao nhiêu và mật độ cao thế nào không ảnh hưởng tới môi trường, tương lai bằng chính cách con người đối xử với môi trường sống của mình.

Ông Sinh dẫn chứng, ở nước ta mật độ trung bình cao, nhưng không đồng đều, rất nhiều nơi dân cư thưa thớt, và dân số thường tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM. Và thực tế, những người sống ở các nơi đó lại có cuộc sống tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, mặc dù về lý thuyết thì ở đâu dân cư càng đông đúc thì tình trạng ô nhiễm càng mạnh. “Bởi thế không thể nói là đông dân, mật độ cao thì ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cũng như tài nguyên môi trường”, ông nói.

Chẳng hạn, năm 1945 Việt Nam có 20 triệu dân. Hiện tại, con số này đã gấp gần 4 lần. Cùng với đó, tuổi thọ người Việt cũng tăng lên gấp 2-3 lần, và rõ ràng chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên một trời một vực. Theo ông, nếu khéo tổ chức, biết sử dụng hợp lý những gì mình có thì rõ ràng một khu vực nhỏ nhiều người sống vẫn có thể có môi trường trong lành, phát triển tốt.

Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là dân số đông, tiếp tục tăng, đi kèm với thói quen sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên, phát triển nhiều ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, dẫn tới sự phát triển không bền vững, gây hại cho môi trường.

“Nếu mọi người coi tài nguyên là vô tận, khai thác vô tội vạ, không đúng cách, tiêu xài quá mức thì dù có bao nhiêu cũng không thể đủ được. Không ai dám nói, tài nguyên Việt Nam ‘nuôi’ được 100 triệu hay 120 triệu người là vừa, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác, trong đó có cách sống, thái độ của con người với tự nhiên”, ông nói.

Cũng vì điều này mà thông điệp được Liên hiệp quốc đưa ra trong ngày thế giới 7 tỷ người năm nay cũng là: Hãy dựa vào nhau mà sống. Tương lai sau này phụ thuộc vào chính những điều bạn hành động hôm nay.

 

(Theo Minh Thùy – vnexpress.net)