Đà Nẵng: Báo động tình trạng ô nhiễm nước nguồn

vv133Hiện nay nguồn nước cấp cho Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng báo động: Vừa nhiễm mặn, vừa đỏ đục như nước bùn khiến cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải chật vật xử lý. Chưa bao giờ ở Đà nẵng có nguồn nước thô vừa đục vừa mặn như năm nay. “Các năm trước, trong một thời điểm, nước chỉ đục hoặc mặn, chứ không khi nào bị cả hai tình trạng trên. Có thể nói, hiện tượng này chưa từng có trong lịch sử”, ông Tôn Thất Du, Phó Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất nước của Nhà máy Nước Cầu Đỏ lo lắng.

Chỉ ra dòng sông bên cạnh nhà máy, ông Du nói, từ năm 2000 đến nay, dòng sông hầu như không còn màu trong xanh nữa, mà giống như màu bùn. Trong tháng 7, có lúc độ đục “lập đỉnh” tới gần 1.800 NTU, nên phải liên tục theo dõi nước sông để chặn lại kịp thời và xử lý rất khó khăn: Vừa xác định liều lượng hóa chất đưa vào nước cho thích hợp, vừa thường xuyên vệ sinh, súc xả công trình lắng lọc. Bởi dù độ đục quá cao như vậy, nhưng sau khi xử lý ở bể lắng và đưa ra cho người dân sử dụng, nguồn nước buộc phải bảo đảm chất lượng ở mức thấp hơn cả nghìn lần là 2 NTU.

Do nước sông quá đục nên phải sử dụng phèn nhiều hơn để xử lý cho nước trong, đưa nước về cho người dân nông thôn sử dụng. Chính vì vậy, với 0,0984kg/m3, tỷ lệ sử dụng phèn trong năm nay được xem là cao nhất trong 5 năm trở lại đây và vượt cao hơn nhiều so với giới hạn tiêu chuẩn theo quy định. Theo ông Du nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến nước đầu nguồn.

Đục thì còn có thể xử lý được, còn khi độ mặn vượt ngưỡng, không còn cách nào khác, người ta phải bỏ nguồn nước mặn để lấy nước từ một nguồn khác. Độ mặn tăng đột biến, phủ toàn bộ vùng hợp lưu sông Yên và sông Túy Loan đến đoạn qua Nhà máy Nước Cầu Đỏ, khiến những người xử lý nước lao đao. Theo giải thích của ông Du, áp lực của bão số 4 vừa qua đã ép nước biển dâng vào, trong khi đó, nguồn nước đầu nguồn quá yếu, không đủ để hòa nước và đẩy áp lực nước biển đi; cộng với nắng nóng, khô hạn kéo dài, “đẩy” độ mặn có thời điểm lên tới 900mg/l, trong khi chuẩn chất lượng cho nước sinh hoạt chỉ vào khoảng 100mg/l.

Do đó, Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải thường xuyên vận hành bơm dự phòng từ trạm bơm An Trạch để tiếp nước. Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, từ tháng 5 đến nay, trạm An Trạch đã bơm đến 1.500 giờ cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng cực đỉnh vừa qua, trạm bơm hoạt động liên tục từ 0 giờ hằng ngày. Thời gian bơm này được xem là gấp 2-3 lần so với mọi năm. Điều này làm tăng chi phí sản xuất nước ở Nhà máy nước Cầu Đỏ, vì nơi này vừa phải mua nước thô, vừa tiêu thụ nhiều điện năng hơn. “

Tuy nhiên hiện nay, Trạm bơm An Trạch ngoài việc bơm dự phòng cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, còn thực hiện cấp nước sinh hoạt nông thôn cho hơn 2.500 hộ ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong thuộc huyện Hòa Vang, tưới tiêu cho 9.000ha lúa và hoa màu ở cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam. Vì vậy, trong trường hợp bơm căng thẳng chống hạn cho lúa, nguồn nước sẽ không ổn định để cấp cho sinh hoạt. Trên thực tế, tình trạng này đã xảy ra. Về lâu dài, với nhu cầu khoảng 5.000 hộ nông thôn dùng nước sạch, trạm bơm cần phải được mở rộng mới đủ nguồn nước cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc Đà Nẵng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong tương lai.

Nếu Quảng Nam không quyết liệt xử lý các tụ điểm hơn trong việc khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến nước đầu nguồn, tình hình sẽ ngày càng xấu đi và đến một thời điểm nào đó, sẽ không còn nước để uống.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)