Đã có Bộ bản đồ đất ngập nước ven biển Việt Nam tỷ lệ 1/100.000

Rừng ngập mặn Bình Châu
Đây là bộ bản đồ do Trung tâm Viễn thám Quốc gia (Bộ TN&MT) lập trong khuôn khổ của Dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngập nước ven biển và đề xuất phương hướng quy hoạch sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” do Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.  

Bản đồ này thể hiện tình hình phân bố của các loại đất ngập nước thuộc dải ven biển Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng phương hướng quy hoạch sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai cũng như để bảo tồn và khai thác hợp lý hệ sinh thái quan trọng này. Bộ bản đồ đã được lập theo phương pháp sử dụng thông tin ảnh viễn thám hiện có và các thông tin từ các loại tài liệu chuyên ngành khác.

Theo đánh giá của Trung tâm Viễn thám Quốc gia, lần đầu tiên ở Việt Nam đã lập được bộ bản đồ đất ngập nước ven biển phủ trùm toàn bộ dải ven biển thuộc 29 tỉnh và thành phố có biển của Việt Nam, thể hiện đầy đủ các kiểu loại đất ngập nước ven biển với 19 kiểu trong hệ thống đất ngập nước mặn, lợ vùng biển và ven biển và 7 kiểu thuộc hệ thống đất ngập nước vùng ven bờ. Đây là những tài liệu khá đầy đủ về các loại hình đất ngập nước ven biển mà lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có số liệu về diện tích các kiểu đất ngập nước ven biển được thống kê theo đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh và cả nước. “Bộ bản đồ kèm theo tập số liệu này không những có thể dùng để phục vụ cho dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngập nước ven biển và đề xuất phương hướng quy hoạch sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” mà còn có thể dùng làm tài liệu trong nghiên cứu tổng quan về dải ven biển và làm cơ sở để đánh giá về tiềm năng tự nhiên của vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Hùng (Trung tâm Viễn thám Quốc gia) cho biết.

Nội dung chính của bản đồ bao gồm các loại hình đất ngập nước ven biển được phân loại thành đất ngập nước tự nhiên và đất ngập nước nhân tạo. Trong mỗi loại đất ngập nước lại được phân chia thành lớp thông tin ngập thường xuyên và không thường xuyên. Tùy theo mỗi lớp thông tin cụ thể lại được chia thành các kiểu khác nhau. Chẳng hạn, như lớp thông tin ngập thường xuyên của loại đất ngập nước tự nhiên được chia thành các kiểu: Vùng biển ở độ sâu dưới 6m khi triều kiệt; vùng nước cửa sông; thảm cỏ biển; rạn san hô; cồn bãi ngập ở cửa sông và đầm phá nước mặn/lợ. Còn lớp thông tin ngập không thường xuyên của loại đất ngập nước nhân tạo được chia thành các kiểu: Vùng nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn, vùng nuôi trồng thủy sản trong đầm phá và vùng làm muối…

 Ngoài ra, trên bản đồ còn thể hiện một số kiểu thuộc hệ thống đất ngập nước ngọt thuộc dải ven biển bao gồm: Hồ, ao, sông, suối, cù lao sông, hồ chứa nước, kênh, rạch, vùng trồng lúa nước, vùng đất than bùn có rừng tràm cũng như các yếu tố nền địa lý như sông ngòi, kênh rạch, hồ ao, các điểm dân cư, các loại đường giao thông, đường địa giới hành chính các cấp, địa hình.

Vẫn theo Trung tâm Viễn thám Quốc gia, cách xác định đất ngập nước ven biển được xác định trên ảnh vệ tinh hoặc xác định trên ảnh vệ tinh kết hợp với việc nội suy theo các điểm độ sâu có trên bản đồ địa hình đáy biển, trên hải đồ (đối với cồn, bãi ngập ở cửa sông). Đối với những kiểu ngập nước khó xác định được trên ảnh vệ tinh, Trung tâm lấy từ các tài liệu thu thập được ở Viện Tài nguyên và Môi trường biển và từ các tài liệu bản đồ địa hình, hải đồ (thảm cỏ biển và rạn san hô)…

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)