Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hoạt động quốc tế về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, phòng chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mặc dù vậy, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, phát triển nóng kinh tế – xã hội đang khiến hệ thống sông, hồ chứa nước nước ta suy kiệt.
Thuộc nhóm quốc gia thiếu nước
Là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc và lượng mưa trung bình lên đến 1500 – 2000 mm/năm, tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước do lượng nước mặt bình quân đầu người thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/năm/người của Hội Tài nguyên nước quốc tế.
Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nguồn nước ngầm chiếm 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho đô thị đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo một khảo sát gần đây, hai xã Hưng Thạnh và Thạnh Tân (Tân Phước, Tiền Giang) có hơn 70% dân cư (1.300 hộ) không có nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Do nguồn nước nhiễm phèn và vi sinh nặng, các giếng nước muốn sử dụng được phải sâu hơn 400 mét, tốn nhiều kinh phí nên người dân buộc phải dùng nước sông trong sinh hoạt ô nhiễm. Thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém.
Theo các tổ chức quốc tế, ngưỡng khai thác tài nguyên nước được phép giới hạn trong phạm vi 30% lượng dòng chảy. Nhưng hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50% lượng dòng chảy, làm suy thoái nghiêm trọng nước trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, Thái Bình và sông Đồng Nai.
Hành động đơn giản để gìn giữ nguồn nước
Để giải quyết ô nhiễm nước, các chuyên gia nghiên cứu môi trường nước đề xuất cần lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước… Tại các địa phương, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, đồng thời quản lý chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.
Đó là những hành động thiết thực ở cấp các địa phương. Tuy nhiên, với mỗi doanh nghiệp, cá nhân, một hành động nhỏ cũng có thể góp phần làm sạch nguồn nước. Bảo vệ sông ngòi, kênh rạch, giảm thiểu ô nhiễm do rác thải được xem là hành động gìn giữ nguồn nước đơn giản nhưng chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.
Mới đây, tại Tiền Giang Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (VBL) phát động Chương trình “1 phút tiết kiệm – triệu niềm vui”. Gần 200 nhân viên VBL tham gia với vai trò tình nguyện viên, cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh dọc bờ kênh khu vực xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước, Tiền Giang) và phường Thạnh Xuân (Quận 12, TP.HCM).
Sau khi dọn dẹp kênh rạch, các tình nguyện viên VBL đã đến thăm hỏi về nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân lân cận, tuyên truyền về tình trạng khan hiếm nước sạch và kêu gọi cùng chung tay tiết kiệm và gìn giữ nguồn nước bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực như không xả rác, chất thải xuống kênh rạch, khóa vòi nước sau khi dùng, kiểm tra rò rỉ thường xuyên, tái sử dụng nước rửa rau để tưới cây, rửa sân… Chương trình đã được người dân địa phương đón nhận nồng nhiệt cùng lời cam kết thực hành tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày.
(Theo Monre.gov.vn)