Cứu “ cụ ” rùa Hồ Gươm: Phải làm ngay !

Cụ rùa đang bị thương khá nặng
TP. Hà Nội đã phê duyệt giải pháp kiểm tra và xử lý rùa tai đỏ tại Hồ Gươm theo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Theo đó, giải pháp tình thế trước mắt đầu tiên là cần phải bắt và xử lý rùa tai đỏ hiện có trong Hồ Gươm.

GS. Hà Đình Đức, nhà rùa học cho rằng, công việc tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm là rất cấp bách vì nó có thể ăn cạn kiệt nguồn thức ăn của các loài động vật thủy sinh và cả thức ăn của “cụ” rùa. Hình ảnh đưa trên báo chí vừa qua cho thấy, vết thương trên mai “cụ” rùa có thể do rùa tai đỏ gặm! Ngoài ra trên “cụ” còn vết cứa đỏ rất mới.

Phương pháp bắt rùa tai đỏ được Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất bao gồm: Bắt bằng lồng đặt chìm dưới nước; Dùng bè nổi có mồi dẫn dụ và lưới. Các thiết bị bắt rùa tai đỏ yêu cầu phải hiện đại, không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến  Rùa quý và hệ động thực vật thủy sinh trong hồ, đảm bảo mỹ quan, dễ thao tác.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Hòe – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, loài rùa tai đỏ thuộc loài bò sát, thích phơi nắng và phàm ăn nên việc tìm cách bẫy chúng phải dựa vào đặc tính này.

Hà Nội sẽ thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện của các Sở ngành: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Khu vực hồ Hoàn Kiếm; các đơn vị ngoài thành phố tham gia bắt và xử lý rùa tai đỏ với sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố.

Những việc cần làm ngay trước mắt là tuyên truyền cho người dân không thả  rùa tai đỏ xuống Hồ Gươm vào dịp Tết ông Công, ông Táo sắp tới, trong khi các phương án chính thức phải sau Tết Nguyên đán mới được thực hiện. Cơ quan chức năng cần phạt thật nặng những người cố tình thả rùa tai đỏ gây hại cho Hồ Gươm, cho “cụ” rùa.

GS. Hà Đình Đức có tư liệu khẳng định rùa tai đỏ xuất hiện ở Hồ Gươm từ năm 2004.

Rùa tai đỏ được nhập từ Nam Mỹ vào Việt Nam để nuôi làm cảnh và hiện nay đã thoát ra môi  trường tự nhiên. Hiện rùa tai đỏ đã lan tràn tại nhiều địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình… chủ yếu để nuôi làm cảnh.

Rùa tai đỏ là loài ăn tạp, thức ăn của chúng thay đổi theo lứa tuổi. Khi nhỏ ăn thịt, lớn hơn chúng ăn thực vật. Đến khi trưởng thành, chúng ăn tạp bất kể động vật hay thực vật như : Tảo, bèo tấm; các loài thực vật thủy sinh, nòng nọc, cá nhỏ, giáp xác. Khi thoát ra ngoài tự nhiên, chúng đã sinh sôi và phát triển nhanh trong các thủy vực, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh thái thủy vực, đặc biệt là tính đa dạng sinh học.

GS. Hà Đình Đức cho rằng, về lâu dài, để bảo vệ “cụ” rùa cũng như Hồ Gươm, TP. Hà Nội nên có một phòng thí nghiệm để tiến hành theo dõi các chỉ số về môi trường nước thường xuyên chứ không phải đợi lúc có Dự án thì mới làm một vài tháng hay vài năm rồi lại bỏ đó đến lúc có sự cố rồi mới tiếp tục. Cần kiểm tra đáy hồ để dọn dẹp những chướng ngại, có thể gây nên các vết thương cho cụ rùa.

“Tôi đề nghị nên cải tạo cửa cống Hàng Khay, có thể đóng mở để đến mùa mưa xả bớt nước hồ tồn đọng lâu ngày và bổ sung nước mưa hòa loãng để cải thiện chất lượng nước hồ nhưng không được quan tâm! Có như vậy nước Hồ Gươm mới được cải thiện mà hầu như không tốn kém bởi vì chỉ thực hiện việc đóng mở cửa cống mỗi năm độ một hai lần”, GS. Hà Đình Đức nói.

Rùa hồ Gươm thuộc loại rùa quý hiếm nhất trên thế giới và đang đứng trước nguy cơ diệt vong, hiện chỉ còn khoảng 4 cá thể trên toàn cầu.

 

 

(Theo  Monre.gov.vn)