Cù Lao Dung: Vỡ đê bao, dân khốn đốn

Con nước đầu tháng 9 âm lịch bất ngờ dâng cao đã vô hiệu hóa hơn 10 km bờ bao bảo vệ dân cư và đất sản xuất ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Trong hai ngày, triều cường đạt đỉnh, làm cho gần 800 căn hộ, hơn 1.600 ha mía, gần 20ha cây ăn trái và rau màu bị ngập chìm trong nước, ước tính thiệt hại ban đầu xấp xỉ 10 tỉ đồng.

Cù Lao Dung gồm bảy cù lao nhỏ, nằm kẹp giữa hai cửa lớn của nhánh sông Hậu là Định An và Trần Đề. Với hơn 360 tuyến kênh rạch đan xen là hệ thống cung, tiêu thoát nước khá thuận lợi và hệ thống bờ bao ngăn nước dài trên 1.000 km được xem là phòng tuyến khá kiên cố trong nhiều năm qua chống chọi với thủy triều. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống bờ bao này bị vỡ, khiến cho nhiều hộ dân thuộc các xã An Thạnh Tây, Đại Ân 1… phải sống trong cảnh nước bao vây tứ phía.

Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 cho biết: “Triều cường các ngày 17 – 18/10 đã làm sạt lở 50 đoạn đê (tổng cộng dài khoảng 290m), gây ngập hơn 1.000 ha mía nguyên liệu, làm cho đời sống của gần 100 hộ dân bị xáo trộn do nước đột ngột dâng ngập nền nhà”. Giải thích vì sao lúc triều cường rút xuống, nước trên các sông, rạch đã xuống rất thấp, nhưng tại nhiều vườn cây và nhà cửa, nước vẫn ngập tràn lênh láng, ông Tám cho rằng, các cống điều tiết nằm dọc theo tuyến bờ bao đa phần do người dân tự đầu tư, nên có khẩu độ nhỏ (bình quân dưới 50 cm), khả năng tiêu thoát chậm so khối lượng nước quá lớn đã tràn vào sau khi đê bị vỡ. Ở xã An Thạnh Tây, 24 đoạn đê vỡ đã nhấn chìm trong nước 720 ha đất sản xuất, trong đó có hơn 370ha vườn cây trái, rau màu; hơn 250 ha mía nguyên liệu bị ngập gốc nhiều ngày.

Trước thực trạng vỡ đê bao gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của cư dân địa phương, ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện đã chi khẩn cấp 500 triệu đồng cho công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân gia cố lại các tuyến đê bị vỡ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tám, vùng đất bãi bồi từ phù sa có đặc tính mềm nhão, rời rạc, nên khi loại đất này được dùng làm vật liệu chính để đắp những bờ đê thì tuổi thọ của nó chắc chắn sẽ không cao. Do đó, thực tế đã có nhiều tuyến đê mới được gia cố vào năm trước, đến nay đã bị sạt lở. Theo người dân ở Cù Lao Dung, xứ này sẽ còn đón một đợt triều cường lớn vào giữa tháng 9 âm lịch sắp tới. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây, có lẽ nước biển dâng lên do tác động của biến đổi khí hậu, chứ mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long năm nay chỉ ở mức báo động 1, bằng phân nửa năm ngoái.


 

(Theo Monre.gov.vn)