COP 16: Lấy lại niềm tin đàm phán chống biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì họp báo
Chiều 14/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì họp báo công bố kết quả của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 16) và Hội nghị lần thứ 6 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 6) vừa trở về từ Cancun (Mexico). Đại diện các Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương cùng tham dự.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, sau COP15 tại Copenhaghen, cộng đồng trên thế giới mất niềm tin đối với sự thành công trong quá trình đàm phán. Trong thời gian vừa qua và đặc biệt những gì diễn ra trong Hội nghị lần này bước đầu đã lấy lại niềm tin của các nước trên thế giới, của các phái đoàn tham gia đàm phán và đã tạo ra không khí tương đối cởi mở, hiểu biết lẫn nhau để tiếp tục đàm phán, đi đến kết quả.
 
* Tạo cơ sở tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn cầu
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết, COP 16 đã thông qua Hiệp định Cancun. Tuy chỉ được thông qua dưới dạng Quyết định của Hội nghị, chưa phải là điều ước quốc tế, còn thiếu cam kết cụ thể về cắt giảm khí nhà kính, song Hiệp định có ý nghĩa quan trọng để các bên tiếp tục đàm phán, tiến tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu.
“Mặc dù còn nhiều bất đồng về quan điểm trong các cuộc đàm phán đa phương, song các nước đều nhìn nhận biến đổi khí hậu là nguy cơ rõ ràng và thể hiện trách nhiệm giảm phát thải của mình”, ông Tấn nói.
Dù rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong các cuộc họp tại COP 16 song các nước đã thống nhất phải hợp tác dài hạn trong ứng phó với biến đổi khí hậu để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 và phát triển nền kinh tế theo hướng cacbon thấp. COP 16 cũng thêm một lần nữa khẳng định trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trước hết của các quốc gia phát triển. Đồng thời sẽ xây dựng cơ chế nhằm đánh giá nhu cầu tài chính, nhu cầu công nghệ của các nước dễ bị tổn thương giúp các quốc gia này phát triển bền vững.
“Một điểm được xem là thành công của COP 16 là thống nhất xây dựng quy trình Quỹ Khí hậu xanh đặt dưới sự điều hành của COP với Ban Chỉ đạo có sự tham gia cân bằng của đại diện các nước phát triển và đang phát triển”, ông Tấn nói.
Các nước cũng đã nhất trí tăng cường các hoạt động giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng, thông qua bảo vệ, quản lý bền vững ở các nước đang phát triển với sự hỗ trợ về công nghệ và tài chính của các nước phát triển… Các nước tham dự COP 16 cũng đồng ý đưa ra những hướng dẫn mới về Cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm củng cố cơ chế CDM để thu hút nhiều vốn hơn, chuyển giao công nghệ tốt hơn.

tt99
Quang cảnh họp báo

Khó khăn dai dẳng hiện nay vẫn là các nước chưa thống nhất thời điểm giảm tổng lượng phát thải toàn cầu và việc tính mức đóng góp tài chính của các nước phát triển giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
* COP 16 và CMP 6 có sự tham dự của khoảng 12.000 đại biểu, trong dó có 5.200 quan chức Chính phủ đến từ 194 nước; 5.400 người từ cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cơ quan liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và 1.270 người từ cơ quan thông tấn báo chí.
 
* Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ASEAN trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cùng với các cuộc tiếp xúc đa phương cùng cộng đồng thế giới tìm kiếm cơ sở pháp lý về mục tiêu, trách nhiệm, lộ trình chống biến đổi khí hậu, đoàn Việt Nam đã có 15 cuộc gặp song phương cấp Bộ, riêng lãnh đạo Bộ TN&MT thực hiện 12 cuộc, với các đoàn Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ, Hà Lan, Australia, Ba Lan, Ả rập, Ngân hàng Thế giới… Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, tại các buổi làm việc, đoàn Việt Nam đều thể hiện quan điểm của ASEAN trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Theo quan điểm của các nước ASEAN, các nước phát triển phải cắt giảm phát thải khí nhà kính với lộ trình cam kết rõ ràng đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước dễ tổn thương do biến đổi khí hậu. Tại COP 16, chúng tôi cũng nêu rõ với cộng đồng quốc tế rằng, vùng Đông Nam Á là vựa lúa lớn của thế giới và cả thế giới phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ để đảm bảo an ninh lương thực”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Qua các hoạt động trong hai tuần đàm phán tại COP 16, Việt Nam đã thể hiện tính chủ động và tích cực trong việc tham gia các phiên họp, các cuộc đàm phán đa phương của COP 16 và CMP 6, các cuộc gặp song phương với các đối tác và đã thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt trong giải quyết vấn đề.
 
* Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Việt Nam đã đệ trình Thông báo Quốc gia lần thứ hai về biến đổi khí hậu của VN cho Ban Thư ký Công ước khí hậu; tham gia chủ trì Hội nghị bên lề của Tổ chức Luật Quốc tế về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cho các nước phát triển, trong đó VN được lựa chọn là một nước thực hiện thí điểm; tổ chức gian triển lãm của VN vè biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
* Cần có chiến lược đàm phán chống biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cộng đồng thế giới đều nhận thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện, tiềm năng hợp tác, thử nghiệm mô hình đồng giảm phát thải như chống suy thoái rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Trong các cuộc tiếp xúc, phía Nhật Bản ngỏ ý muốn chọn ngành giao thông của VN để thực hiện giảm phát thải. Mỹ cũng vận động nước ta tham gia chiến lược phát thải thấp của họ…”, Thứ trưởng cho biết.
Trở về từ COP 16, Đoàn công tác của Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo gửi Chính phủ, trong đó đề xuất về cơ chế tài chính, cách tiếp cận biến đổi khí hậu trong từng ngành, tăng cường các hoạt động giảm phá rừng, chống suy thoái rừng… Từ đó đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các dự án ưu tiên. Đồng thời nghiên cứu chuẩn bị hệ thống cơ sở pháp lý để khi các cam kết quốc tế đi đến thống nhất, chúng ta có đủ điều kiện tiếp cận các nguồn lực và hợp tác quốc tế.
“Vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ còn mang ý nghĩa môi trường mà còn liên quan đến kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia. Chúng ta cần có chiến lược đàm phán ở các hội nghị quốc tế, đào tạo kỹ năng đàm phán cho cán bộ tham dự để nâng cao tính chuyên nghiệp và đạt hiệu quả như mong muốn”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
(Theo Monre.gov.vn)