Công tác thoát nước đô thị tại Hải Phòng: Tập trung chống ngập và ô nhiễm môi trường

vv32Hưởng ứng “Năm đô thị và an toàn giao thông” của thành phố, năm 2012 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng tập trung chống ngập và chống ô nhiễm môi trường nhằm tạo  chuyển biến về chất lượng môi trường đô thị.

Giải quyết điểm “nóng” ngập úng

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn điểm “nóng” ở phường Đồng Quốc Bình(quận Ngô Quyền) và đường Đình Đông (quận Lê Chân) thường xảy ra ngập úng khi mưa lớn. Đối với điểm ở phường Đồng Quốc Bình, những năm qua, nhất là trong năm 2011, địa bàn này được tập trung cao nhất thực hiện nạo vét sâu, hút bùn cống rãnh. Ngay từ mùa khô, công ty tiến hàng loạt các công việc khai thông “đầu ra” thoát nước cho toàn khu vực. Theo đó, công ty  nạo vét bùn sâu, mở rộng lòng mương An Kim Hải đoạn từ cầu vượt Lạch Tray đến đường Văn Cao và lòng cống đường Văn Cao, Lạch Tray; cống hộp ngang đường Lê Hồng Phong. Cùng với đó, công ty mở rộng tiết diện thoát nước tại điểm Bệnh xá Công an trên tuyến mương An Kim Hải; nạo vét toàn bộ trong lòng 3 tuyến cống D1000 thoát ra mương An Kim Hải; đồng thời trung tu đường cống hộp ngang đường Lạch Tray ra cầu vượt; lắp đặt van 1 chiều tại ngã ba Văn Cao-Nguyễn Bình và Lạch Tray-Nguyễn Bình, lắp đặt các trạm bơm để bơm nước mưa hạ thấp mực nước mương  khu vực đầu đường Văn Cao, Lạch Tray. Trong các khu vực dân cư, công ty tổ chức lực lượng, phương tiện nạo vét các ga cống, mở rộng cửa ga thu; khi có mưa, công nhân trực canh, vớt rác trước cửa ga, tăng khả năng tiêu thoát nước. Hiệu quả từ những việc làm trên được khẳng định, thực tế mùa mưa năm qua cho thấy, với những cơn mưa lưu lượng từ 10 đến 50mm, sau khi mưa chấm dứt, nước thoát hết. Với những cơn mưa từ 50-100mm, tuy  còn ngập, nhưng rút khá nhanh sau đó.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn, giải pháp căn bản để giảm ngập lụt tại phường Đồng Quốc Bình vẫn phải là nâng cốt tuyến đường Nguyễn Bình, vì khu vực này có cốt nền thấp thấp nhất thành phố (3,5m). Tới đây, cùng với nâng cốt đường Đồng Quốc Bình, việc tiêu thoát nước ra mương An Kim Hải sẽ nắn theo 2 hướng ra cống Nam Đông và ra mương Tây Nam. Vốn đầu tư cho nâng cốt nền không lớn, vì vậy mong thành phố, các ngành quan tâm, để xóa triệt điểm “trũng” về ngập lụt, cải thiện đời sống sinh hoạt nhân dân trong mùa mưa năm nay.

Cùng với việc tập trung xóa điểm ngập úng nói trên, công ty cũng tập trung cải thiện tình hình ngập úng ở đường Đình Đông do liên quan đến một số dự án.Trong năm nay, công ty tiến hành trùng tu, nạo vét cống trên đường Đình Đông và ngã ba Bốt Tròn, ngã tư Quán Mau, đấu nối hệ thống thoát nước với đường Hàng Kênh để tăng khả năng tiêu thoát cho trục đường này. Cũng trong năm nay, công ty giải quyết việc tiêu thoát nước tại trước cổng Trường Đại học Y Hải Phòng (đường Nguyễn Văn Linh); khu đô thị PG An Đồng và cuối đường Đà Nẵng (quận Hải An).

Cải thiện môi trường các hồ

Các hồ trên địa bàn thành phố Hải Phòng không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn có chức năng điều hòa. Tuy nhiên, tình trạng nước thải chảy vào hồ đang gây ô nhiễm môi trường chung quanh. Vì vậy, năm nay, công ty tiến hành thu gom, chống nước thải vào hồ Tiên Nga, hồ Sen, Cát Bi (năm trước đã thực hiện với các hồ Lâm Tường, Dư Hàng). Đồng thời, công ty phối hợp với các đơn vị trồng cây xanh dọc các mương, mương Tây Nam, Đông Bắc, hồ điều hòa Lâm Tường, Dư Hàng …

Song song với các biện pháp trên, về lâu dài, công ty đề nghị thành phố cần quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hải Phòng đến năm 2025 và định hướng đến 2050, trên cơ sở các tiêu chí về xử lý nước thải tập trung xen kẽ với xử lý phân tán, ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu đô thị mới phát triển. Tăng cường xây mới hồ điều hòa để tạo cảnh quan đô thị, có tính đến phương án sử dụng làm công viên cho mùa khô và làm hồ điều hòa vào mùa mưa.

Bên cạnh đó, công ty xây dựng các trạm bơm thoát nước mưa chống ngập khi triều cường; tách nước thải ra khỏi hệ thống chung để ngăn chặn việc nước thải chảy vào mương hồ, sông ngòi gây ô nhiễm nguồn nước mặt; đặc biệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước; chú trọng thể chế, với sự hỗ trợ từ các chính sách pháp luật của nhà nước để các đơn vị thoát nước có công cụ thực hiện quản lý hệ thống thoát nước được giao; ngăn chặn sự phát triển tự phát ở các đô thị mới do nhân dân tự đầu tư, thiếu sự quản lý của đơn vị chức năng.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)