Theo ước tính, trận lũ lịch sử ở tiểu bang Queensland (Australia) có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la cho ngành công nghiệp khai thác than của nước này và khiến cho ngành công nghiệp sản xuất thép ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bị đình trệ.
Theo Hiệp hội Than Australia, nước này xuất khẩu than sang hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó hai thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, một số đối tác quan trọng khác là Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.
Tuy nhiên, trong ba tháng vừa qua, ở khu vực Tây Bắc Australia đã liên tục xảy ra lũ lụt khiến cho người dân địa phương trên một diện rộng phải đi di tản. Hội đồng Khai khoáng Queensland cho biết, các trận mưa lớn khiến khu vực trung tâm của bang Queensland ngập trong biển nước và gây thiệt hại nặng nề đến ngành công nghiệp khai thác than. Michael Roche, Giám đốc điều hành Ban Tài nguyên của Queensland nhận định, mưa lũ ở lưu vực phía Bắc sông Bowen còn khiến cho tuyến đường sắt chính nối liền các khu hầm mỏ và các cảng biển ở gần Mackay bị hư hại và tê liệt hoàn toàn trong suốt hơn một tuần lễ. Do đó, việc xuất khẩu than tới châu Á và châu Âu cũng bị đình trệ.
Lũ lụt đã khiến cho rất nhiều công ty khai thác than của Australia trong đó có một số tập đoàn lớn như Rio Tinto, BHP Billiton, Anglo American và Xstrata, buộc phải sử dụng điều khoản tạm dừng việc vận chuyển hàng do thiên tai được quy định trong hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài để tránh phải chịu sự ràng buộc trách nhiệm về mặt pháp lí vì đã phá vỡ hợp đồng.
Russell Trood, Thượng Nghị sĩ Đảng Tự do của bang Queensland đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Thương mại và Ngoại vụ, cho biết, việc các doanh nghiệp buộc phải áp dụng điều khoản trong tình huống khẩn cấp như trên đã cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề mà họ đang phải đối mặt.
Các chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu hàng hóa Macquire dự đoán, việc lũ lụt kéo dài có thể khiến cho giá than gia tăng từ 246 đô la/tấn lên đến 300 đô la/tấn và sự gia tăng giá cả này sẽ được quy định trong các hợp đồng xuất khẩu than vào quý tới. Bên cạnh đó, việc giảm khối lượng than cung cấp còn có thể gây thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thép, vì vậy nó có thể đẩy giá thép lên cao. Theo nhận định của ông Roche, mặc dù một số nước sản xuất than khác trên thế giới có thể thu lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay nhưng ngành xuất khẩu than của Australia vẫn đóng vai trò chủ chốt đối với nền kinh tế thế giới.