Công nghệ tưới phun mưa tại đảo Lý Sơn – hình thức mới tiết kiệm tài nguyên nước

Thời gian gần đây, người nông dân huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi đã sử dụng công nghệ tưới phun mưa để phục vụ công tác tưới cho cây trồng. Hình thức tưới này vừa tiết kiệm công lao động, vừa tiết kiệm tài nguyên nước, mang lại năng suất cây trồng cao. Đây là hình thức mới mà người nông dân ở đây chưa hề biết đến từ trước tới nay.

Trước đây, để cung cấp nước tưới cho hành, tỏi, dưa hấu, đậu…, người dân trên đảo thường dùng ống nhựa mềm, rồi cầm trên tay để tưới. Mỗi lần tưới, ngoài trực tiếp cầm ống phun phía trước, người lao động còn cần phải có một người đỡ dây phía sau để khi di chuyển ống tưới cây trồng không bị ống làm hư hỏng.

Hình thức tưới phun mưa giúp tiết kiệm từ 30 đến 50% lượng nước ngọt cần tưới so với cách tưới truyền thống trước đây. Đây là điều rất quan trọng bởi nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn rất hạn chế.

Tuy nhiên, để hệ thống tưới phun mưa hoạt động có hiệu quả thì nguồn nước phải có áp lực lớn và chi phí đầu tư ban đầu để xây dựng tương đối cao.

Theo tính toán tại thời điểm hiện nay, để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa mỗi sào đất (500m2) sản xuất cần đầu tư số tiền từ 8-10 triệu đồng/sào, chưa tính kinh phí khoan giếng.

Với điều kiện kinh tế của người dân huyện đảo Lý Sơn hiện còn nhiều khó khăn, đây là một kinh phí ban đầu khá lớn. Vì thế, nếu được sự hỗ trợ, đầu tư từ phía chính quyền, nông dân sẽ rất đồng tình hưởng ứng việc lắp đặt hệ thống tưới phun mưa trên các cánh đồng trồng hành, tỏi…

 

 (Theo Monre.gov.vn)