Công bố Luật Viên chức, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Khoáng sản

Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Viên chức, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Khoáng sản.
 
*Tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản 
Phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản lần này kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật khoáng sản năm 1996, theo đó chỉ điều chỉnh hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản. Hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản được quy định nằm trong hoạt động khai thác khoáng sản do thường gắn với quá trình khai thác. Hoạt động chế biến khoáng sản sau khai thác (thường gọi là chế biến sâu khoáng sản), hoạt động tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Luật Khoáng sản gồm 11 chương, 86 điều .
Điểm mới trong Luật là bổ sung quy định về Chiến lược khoáng sản (Điều 9) nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cũng như công tác lập quy hoạch khoáng sản, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch như hiện nay. Một điểm mới cơ bản của Luật là về nguyên tắc, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước (Điều 78). Tuy nhiên, có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thông qua đấu giá như khoáng sản có tính chiến lược, khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, về bảo đảm quốc phòng, an ninh, khu vực đã thăm dò trước ngày Luật có hiệu lực… Để giải quyết vấn đề này, Luật đã quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở các tiêu chí do Chính phủ quy định để xem xét cụ thể. 
Ngoài việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được cáp phép trước ngày Luật có hiệu lực (khoản 1, 2 điều 84), để bảo đảm bình đẳng giữa các dự án khai thác được cấp theo quy định của Luật và các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép trước ngày Luật có hiệu lực (trước tháng 7 năm 2011) khoản 3 Điều 84 quy định đối với các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép trước ngày Luật có hiệu lực cũng phải thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm quyền của chủ sở hữu Nhà nước.
Luật có hiệu lực thi hành 1/7/2011. 
 
* Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về viên chức
Luật Viên chức tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng; phát huy tính năng động, sáng tạo và tài năng của viên chức; thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về viên chức, thúc đẩy phát triển khu vực sự nghiệp công lập; xây dựng cơ chế quản lý viên chức theo vị trí việc làm; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản đội ngũ viên chức… 
Luật Viên chức kết cấu gồm 6 chương, 62 điều. Điểm mới cơ bản của Luật viên chức so với Pháp lệnh Cán bộ, Công chức là đã làm rõ khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức. Sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức là “việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”. Đây là nguyên tắc đặt nền móng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ. Luật Viên chức đã có quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, đó là các trường hợp: viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại những vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp; viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm các quyền lợi về chế độ, chính sách.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. 
 
* Nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật gồm 6 chương, 51 điều.
Điểm mới quan trọng trong Luật là quy định về trách nhiệm ràng buộc đối với bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ 3 ở đây có thể hiểu là những đơn vị truyền thông quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng. Cụ thể, Luật quy định chi tiết trách nhiệm của bên thứ 3 về các vấn đề như: phải bảo đảm chính xác, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp chứng cứ chứng minh tính xác thực và đầy đủ của thông tin; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ… Luật có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành hàng hóa và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho người tiêu dùng.
Luật đã dành riêng một Chương quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Đặc biệt, đối với phương thức giải quyết trách chấp tại tòa án, Luật đã có quy định tiến bộ trong việc quy định toà án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng và có đủ các điều kiện theo quy định tại Luật….
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Download Luật Khoáng sản tại đây
Download Luật Công chức tại đây
Download Thuế bảo vệ môi trường tại đây


(Theo Monre.gov.vn)