Còn đó nỗi lo của một vùng châu thổ

tt744Một vùng đồng bằng 39.734 km2, được hình thành từ sự bồi đắp phù sa màu mỡ của sông Mêkông – châu thổ Cửu Long từ lâu đã là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản nước ngọt, đồng thời cũng là vùng đa dạng sinh học phong phú bậc nhất thế giới, với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, đất ngập nước, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn sinh quyển, bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp thực phẩm cho quốc gia, khu vực và thế giới.

Thế nhưng, vùng đồng bằng phì nhiêu này đang phải đối mặt với nguy cơ suy kiệt về tài nguyên và môi trường thiên nhiên bị tàn phá bởi sự tác động của BĐKH, nước biển dâng và sự tác động của con người gây ra, với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức và đáng báo động nhất là tình trạng khai thác tài nguyên nước làm thủy điện một cách ồ ạt trên dòng chính sông Mêkông.

Chỉ một dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông của Lào (đang tạm hoãn 10 năm) ĐBSCL đã có thể mất khoảng 6,32 tỉ m3 nước/năm, trong đó có khoảng 3,92 tỉ m3 (300 m3/giây) trong 5 tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4); làm giảm lượng phù sa từ 26 triệu tấn/năm còn khoảng 7 triệu tấn/năm; lượng dinh dưỡng sẽ suy giảm từ 4.000 tấn/năm còn hơn 1.000 tấn/năm… từ đó sẽ làm giảm năng suất và tăng chi phí sản xuất trên một 1ha trồng lúa. Việc Trung Quốc đã xây dựng 4 đập thủy điện trong thời gian qua đã và đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên, môi sinh của hàng chục triệu người trong lưu vực sông Mêkông – đặc biệt là các vùng đồng bằng trù phú như vùng châu thổ Cửu Long.

Chính những công trình thủy điện “đổ bê tông” ngăn dòng nước ngọt từ thượng nguồn sông Mêkông cùng với sự tác động của hiện tượng BĐKH đã khiến tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, thất thường. Năm 2010 và đầu năm nay, lưỡi mặn 1g/lít đã đi sâu vào đất liền 70km khiến năng suất lúa bị giảm sút nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tỉnh Bến Tre, nhiễm mặn đã làm giảm năng suất trên 1.570ha lúa, 4.500ha đất phải bỏ hoang… thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Cũng do BĐKH, thay đổi dòng chảy nhiều khu rừng ngập mặn ven biển tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã bị xâm thực, cuốn trôi ra biển cùng với hiện tượng sạt lở ven các dòng sông trong nội địa vùng ĐBSCL cũng đang diễn biến phức tạp.

Nhiều diện tích trồng lúa vùng ĐBSCL đã bị tấn công, nguy cơ vựa lúa lớn của thế giới sẽ biến mất là hoàn toàn có thể xảy ra. Lượng phù sa, khoáng vật, thủy sản tự nhiên theo dòng nước ngọt của sông Mêkông về ĐBSCL đang suy kiệt dần và còn ảnh hưởng lớn đến năng suất thủy sản nuôi trồng ven biển vùng ĐBSCL. Môi trường đã và đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, đất ngập nước đặc trưng của ĐBSCL – hệ sinh thái tiêu biểu trên thế giới, với 2 Khu dự trữ sinh quyển của thế giới là Kiên Giang (diện tích 1,1 triệu ha) và Mũi Cà Mau (371.506ha), cùng hàng chục Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước… với sự đa dạng phong phú các chủng loại động vật và thực vật đã lâm vào tình thế bị đe dọa.

So với những lợi ích có thể thống kê được của các công trình đập thủy điện thì những thiệt hại mà các công trình này gây ra là rất lớn, rất khó thống kê, ảnh hưởng lâu dài và trên diện rộng. Đó chính là suy giảm nguồn nước, tàn phá môi trường sinh thái, đe dọa tình hình an ninh lương thực và sinh kế của hàng chục triệu người dân các nước trên lưu vực sông Mêkông. Thế nhưng, hiện Trung Quốc vẫn đang dự kiến xây dựng tiếp 8 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông và các nước trong lưu vực cũng có dự định triển khai 12 công trình đập thủy điện khác trên dòng chính vùng hạ lưu của con sông này.

Vùng biển ĐBSCL sẽ trở thành “vùng biển sa mạc” là thông điệp cảnh báo – nếu tất cả các đập thủy điện dự kiến xây dựng trên sông Mêkông được triển khai. Nếu xây dựng các đập thủy điện, nước ngọt được giữ lại, những khu sinh thái đất ngập nước sẽ khô cạn, phá vỡ đặc trưng khiến nhiều loại động thực vật không thể tồn tại (trong đó có loài sếu đầu đỏ đã được ghi vào Sách đỏ thế giới). Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng đã cảnh báo: Nguy cơ “xóa sổ” những khu dự trữ sinh quyển của thế giới tại ĐBSCL là hoàn toàn có thể xảy ra nếu những đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông đồng loạt xây dựng.

Hệ sinh thái của ĐBSCL bị ảnh hưởng

 

 

tt746“Cần có biện pháp quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho ĐBSCL…”

Đây là điều Th.s Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ), lưu ý giới chức thẩm quyền trước những tác động tiêu cực từ các đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mêkông.

Th.s Kỷ Quang Vinh, cho biết:

Những đập thủy điện đã được xây dựng trên dòng Mêkông mang tính chất đập không có hồ chứa – tức là đập này chỉ làm cho nước dâng, sau đó sẽ chạy máy phát điện.

Tác hại của hệ thống đập thủy điện này, thứ nhất về mặt sinh thái, làm cho cá không di cư được, mà nếu cá không di cư được sẽ làm nguồn cá giảm đi dẫn đến cả hệ sinh thái đó bị ảnh hưởng… Tác động thứ hai, nguy hiểm không kém đó là sự thay đổi chế độ thủy văn sẽ tác hại đến ĐBSCL – đặc biệt là chế độ nước sẽ thay đổi rất lớn. Nguy hiểm nữa khi xây đập hệ thống đập thủy điện trên sông Mêkông sẽ làm xâm nhập mặn và BĐKH cũng như ô nhiễm môi trường gia tăng, tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến cuối nguồn ĐBSCL.

Vì vậy, chúng ta phải làm sao không xây thêm đập thủy điện trên dòng chính của sông Mêkông để bảo vệ, gìn giữ môi trường, hệ sinh thái thiên nhiên của các vùng đồng bằng trong lưu vực. Chúng ta nhớ là: Khai thác dịch vụ sinh thái, môi trường từ sông Mêkông sẽ mang lại lợi ích kinh tế hàng chục tỉ USD/năm, trong khi đập thủy điện chỉ có thể mang đến khoảng 3 tỉ USD/năm.

Theo tôi, các địa phương vùng ĐBSCL nên có những đối sách trong trường hợp xấu nhất để tồn tại, như: Đào những ao, hồ để trữ nước (như ông bà chúng ta đã thường làm ở ĐBSCL), trữ nước ở những hộ gia đình, ở những khu vực nhỏ, để cung cấp nước cho một khu vực nhỏ sẽ không tốn kém và không mất diện tích đất nhiều. Chúng ta phải nghiên cứu những giống lúa, giống cá phù hợp với điều kiện sinh thái của giai đoạn mới, giúp chúng ta giữ vững được sản xuất lúa và cá thì lúc đó ĐBSCL mới có thể tồn tại.

Tôi nghĩ, Chính phủ nước ta cần tăng cường hợp tác với các nước hạ nguồn sông Mêkông, để đàm phán và đi đến dừng lại việc triển khai các dự án xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước cho ĐBSCL.

Hoài Phương (ghi)

 

Để tiếp cận những tác động từ các đập thủy điện trên sông Mêkông đối với vùng hạ nguồn châu thổ Cửu Long, các phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã gặp, trao đổi và ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học đang nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), khẳng định:
“Chuỗi đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và thế giới”. Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, nói.


Từ xưa đến nay, dòng sông Mêkông chảy xuyên suốt, không bị ngắt đoạn góp phần tạo nguồn sống cho người dân các nước như: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. ĐBSCL là vùng hạ lưu cuối cùng của dòng sông Mêkông, nên nơi đây nhận được hầu hết đặc điểm dòng nước (số lượng và chất lượng) từ phía thượng nguồn.


Một khi dòng Mêkông bị đắp ngang, nó sẽ làm thay đổi quy luật thủy văn tự nhiên từ xưa đến bây giờ. Chế độ dòng chảy thay đổi làm hệ sinh thái và thủy vực rất nhạy cảm phía dưới thay đổi theo. Cả trăm năm qua, nguồn cá trên sông Mêkông là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất lớn cho người dân các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… Hầu hết các loài cá vùng trung và hạ lưu sông Mêkông là cá di cư, chúng lớn lên ở hạ nguồn, nhưng đến mùa sinh sản sẽ bơi ngược lên thượng nguồn đẻ trứng. Khi đắp đập làm thủy điện sẽ chắn đường đi của cá dẫn đến sản lượng cá sẽ suy giảm đáng kể. Ngoài ra nhiều loại cá quý hiếm trên sông Mêkông như: Cá Heo nước ngọt, cá Đuối, cá da trơn khổng lồ… sẽ bị đe dọa tiêu diêt.


Các đập nước sẽ giữ lại hầu hết phù sa sông, cả loại di đáy, phù sa lơ lửng và các chất hòa tan. Loại phù sa lơ lửng và hòa tan mang nhiều chất dinh dưỡng cho các loài thực vật, động vật. Nếu phù sa bị giữ lại ở các đập đó thì các chất này bị lắng đọng phía hạ lưu sẽ bị mất chất dinh dưỡng tự nhiên cho đất, các vi sinh vật và các loại thủy sinh khác khiến độ màu mỡ cho ruộng đồng giảm, kéo theo năng suất cây trồng thấp. Các đập nước còn là nguy cơ làm sự xâm nhập nước mặn từ biển thêm phức tạp và diễn biến xấu.


Ước tính, sản lượng nông nghiệp và thủy sản của ĐBSCL không chỉ là nguồn sống cho gần 20 triệu dân của đồng bằng (bằng cả dân số của Lào và Campuchia cộng lại), mà còn góp phần nuôi sống từ 40 – 60 triệu người dân ở trong nước và nước ngoài. Do vậy, khi sản lượng thủy sản, lương thực của ĐBSCL bị suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn cả thế giới nữa.


Hùng Lê (ghi)

 

(Theo dwrm)