Không nên xây
TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), khẳng định trước khoảng 70 đại biểu tại hội thảo: “Không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”, bởi ngoài việc tác động rất lớn đến hệ sinh thái toàn khu vực – đặc biệt là vườn quốc gia Cát Tiên, hai dự án này còn vi phạm Luật đa dạng sinh học (năm 2008).
TS Tuấn nói: “Theo điều 7 Luật đa dạng sinh học, những hành vi như xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn đều bị nghiêm cấm và chỉ trừ những công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh mới được xem xét cho xây dựng tại đây. Như vậy hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm trong khu bảo tồn cần được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Cát Tiên, nếu được cho phép xây dựng sẽ đi ngược lại với luật đã quy định”.
TS Tuấn còn cảnh báo: “Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến Bàu Sấu – khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển ngập nước) nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên. Các tổ chức quốc tế sẽ xem xét và có thể rút lại quyết định công nhận khu Ramsar. Tương tự, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận năm 2001 cũng có thể bị xem xét lại”.
Nhìn ở góc độ xã hội của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Lâm Đình Uy – điều phối viên Mạng lưới sông ngòi VN tại phía Nam – nói: “Tôi kiến nghị nhà đầu tư cần đánh giá lại toàn diện những tác động xã hội của hai dự án thủy điện này và xây dựng giải pháp hợp lý, cụ thể để giảm thiểu những tác động xấu đến đời sống của bà con. Nếu chưa làm được điều này thì hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa nên triển khai xây dựng”.
Những lỗ hổng của dự án
Sau khi ông Nguyễn Văn Sĩ, đại diện nhà đầu tư – Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, trình bày “Báo cáo tóm tắt về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A”, TS Vũ Ngọc Long – phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học kỹ thuật VN) – đề nghị: “Làm dự án phải tuân thủ vào Luật đa dạng sinh học. Chúng tôi góp ý với nhà đầu tư hoàn toàn không có ý định cản trở việc làm thủy điện nhưng mong muốn chúng ta phát triển bình đẳng, văn minh và cần phải minh bạch thông tin dự án”.
Bức xúc trước các dữ liệu trong hồ sơ làm dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, TS Long ôm tập hồ sơ dày cộm minh chứng: “Tôi đã có các số liệu về dự án này. Nhưng phải nói làm rất ẩu. Các anh cung cấp cho những người điều hành Chính phủ, Quốc hội phải chính xác chứ không thể lơ mơ”. TS Long dẫn chứng bằng tập hợp ý kiến các nhà khoa học và cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bỏ qua hoặc chưa đánh giá đúng sự tác động đến các loài động thực vật quý hiếm cũng như các hệ sinh thái tại lòng hồ…
Theo phân tích của các nhà khoa học, báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bỏ qua hoặc không đầy đủ các chi tiết đánh giá cần thiết bao gồm: thay đổi hệ sinh thái, cản đường di cư của cá, đời sống hoang dã, di dân và sinh kế, quản lý và bảo vệ rừng, thay đổi môi trường sống các loài hoang dã, vấn đề bão hòa nước, thay đổi mực nước, xói lở hạ lưu, bồi lắng lòng hồ, phân tầng thủy nhiệt. Các đánh giá tác động môi trường và xã hội chưa đề cập hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh (nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường Quốc hội), nói: “Không chỉ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, hiện còn cả chục thủy điện đang mọc lên. Tôi rất lo ngại việc thay đổi thể chế dòng sông sẽ làm thay đổi vùng ngập nước ở vườn quốc gia Cát Tiên”.
Kết luận hội thảo, các đại biểu thống nhất đề nghị Bộ Tài nguyên – môi trường khẩn trương đánh giá môi trường chiến lược đối với việc quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn lưu vực sông Đồng Nai, nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên nước trong lưu vực.
(Theo ĐỨC TUYÊN – HÀ MI, Báo Tuổi trẻ 7/8)