Chống thất thoát nước, càng chống càng thất thoát

tt711Trong lộ trình tăng giá nước từ 2010 – 2013 mà UBND TP.HCM đưa ra, người ta thấy, ngoài chi phí sản xuất, vận hành… tăng còn có bóng dáng con số thất thoát nước lên đến 40%. Lẽ nào người dân phải gánh chịu những tổn thất thuộc về trách nhiệm của tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO)?

Đối phó

Theo quy định hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống mạng vừa có ống cũ, vừa có ống mới như TP.HCM được đưa vào tính trong giá thành là 29%. Tuy nhiên, con số thất thoát thực tế của SAWACO là hơn 40% và công ty này đã đề xuất tăng giá nước với những lý do: trượt giá, chi phí đầu vào tăng…

Khi UBND TP.HCM yêu cầu SAWACO phải có một đề án chống thất thoát nước khả thi mới đồng ý cho tăng giá nước, SAWACO lập tức liên hệ các đơn vị tư vấn xây dựng đề án chống thất thoát nước giai đoạn 2008 – 2015. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, đề án này không thực tế, thiếu tính khoa học, không đúng với nguyên lý của một hệ thống cấp nước đô thị và được SAWACO thực hiện với mục đích để đề xuất tăng giá nước được thông qua.

Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, phó chủ tịch hội Nước và môi trường TP.HCM tỏ ra bất bình: “Điều đáng tiếc là đề án này vẫn được chấp nhận”.

Theo tiến sĩ Văn, điểm sai cơ bản của đề án chống thất thoát nước này là chưa hiểu được áp lực nước để tính đúng áp lực nước đối với một đô thị. Một đô thị lớn, với số dân gần 10 triệu người như TP.HCM thì áp lực phải đạt trên 10m, chứ không thể nào chỉ từ 2 – 5m như trong đề án. Việc áp lực nước quá yếu khiến công tác dò bể, xử lý điểm bể ở nhiều nơi không thể thực hiện được. Ông Văn cũng cho biết thêm, ở đây, không thể nói là đề án mà phải là quy hoạch hoặc kế hoạch, chương trình chống thất thoát nước theo quy định nhà nước thì mới có hiệu lực thực hiện.

Thiếu động lực

Hiện nay quỹ lương của cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước TP.HCM được tính dựa theo tỷ lệ phần trăm doanh thu. Điều đó có nghĩa rằng, khi giá nước tăng, nhất là tăng mạnh thì doanh thu cao, quỹ lương lớn, mức lương hàng tháng sẽ cao. “Vì vậy, ngành cấp nước TP.HCM chỉ quan tâm làm sao để đẩy giá nước lên cao là tốt. Hơn nữa đây là cách dễ làm, không đòi hỏi tốn quá nhiều thời gian, công sức. Không chống thất thoát nước, vẫn có khoản giá để bù vào lượng nước thất thoát, thu nhập không hề bị giảm, cho dù nước có thất thoát bao nhiêu. Như vậy, rất khó để cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước có động lực và trách nhiệm trong việc chống thất thoát nước”, tiến sĩ Lê Long, nguyên giám đốc công ty Xây dựng cấp thoát nước số 2 (bộ Xây dựng), nhận định.

Cũng theo ông Long, việc thiếu động lực và trách nhiệm trong việc chống thất thoát nước không chỉ hiện nay mà còn xuất hiện từ cách đây mười năm. Khi đó, SAWACO cũng đã nghĩ đến chuyện phân vùng, lắp đặt đồng hồ tổng để theo dõi lượng nước thất thoát. Nhưng rồi kết quả cuối cùng cũng không đi đâu về đâu.

Rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, để SAWACO có trách nhiệm và nghiêm túc hơn trong công tác chống thất thoát nước cần phải “đánh” mạnh vào túi tiền của họ. Muốn vậy UBND TP.HCM phải mạnh tay, siết chặt việc tăng giá nước, chỉ tăng giá nước khi nước thất thoát ở một mức độ cho phép. Một khi chống thất thoát nước không hiệu quả, thu nhập bị giảm, chắc chắn SAWACO sẽ biết mình phải làm gì.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)